Được và mất sau 5 năm gia nhập WTO
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

5 năm qua, kể từ ngày hoàn tất các thủ tục gia nhập WTO, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế, ra khỏi nhóm nước nghèo, đứng vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khi càng hội nhập sâu, việc mở cửa của nền kinh tế gia tăng, nền kinh tế trở nên nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp và thương mại đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, thành viên Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về 5 năm Việt Nam gia nhập WTO.

Thưa ông, đến thời điểm này là 5 năm Việt Nam gia nhập WTO. Với góc nhìn của ông thì chúng ta đã có bước hội nhập như thế nào?
Năm năm vừa qua, một trong những cái được của chúng ta là kiện toàn hệ thống pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế, thị trường minh bạch hơn, đảm bảo sự bình đẳng hơn, đấy là những điều kiện chúng ta bắt buộc phải làm, vì thế, trong 5 năm vừa rồi, chúng ta đã bỏ rất nhiều công sức vào việc xây dựng hệ thống pháp luật để ngày càng hoàn thiện hơn trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó là giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với các hoạt động kinh doanh cũng như là công nghệ, thị trường trên toàn thế giới, giúp cho các vị lãnh đạo Nhà nước quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp với thông lệ quốc tế hơn, nhằm thu hút các dòng kinh doanh từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp những khó khăn nhất định. Khi tham gia, chúng ta cũng phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật của các nước đã tham gia WTO từ trước. Khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường của họ rất dễ bị vi phạm vì không tìm hiểu kỹ, để xảy ra những kiện cáo, bất lợi cho Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan quản lý của chúng ta cũng chưa chuẩn bị kỹ về những hàng rào kỹ thuật để bảo hộ các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng, cái được và cái mất của bất kỳ quốc gia nào cũng đều tồn tại như nhau, cái được trong sự hội nhập kinh tế thế giới và tổ chức thương mại thế giới của đất nước ta ở cả góc độ quản lý Nhà nước lẫn góc độ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nhằm mục tiêu phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Trong 5 năm Việt Nam gia nhập WTO thì có đến 4 năm chúng ta phải chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Trước những khó khăn từ khách quan mang lại và những khó khăn nội tại, Đảng và Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn. Trong bối cảnh hội nhập sâu và còn nhiều khó khăn, thách thức như thế này thì theo ông, để tự đổi mới mình, tái cơ cấu nền kinh tế thì chúng ta phải đi những bước cụ thể như thế nào?
Những khó khăn trước mắt cũng là những cơ hội để Chính phủ và các doanh nghiệp phải cấu trúc lại, từ góc độ quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô lẫn quản lý, điều hành trong từng tổ chức, doanh nghiệp, để làm sao có thể thích ứng khi nền kinh tế và doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc này rất quan trọng. Chính phủ cũng cần xây dựng đề án cấu trúc lại quản lý Nhà nước ở mức độ cao hơn để chịu tác động của nền kinh tế thế giới ít nhất.
Ông có nhìn nhận gì về những bước trưởng thành và hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm chúng ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới?
Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành khá nhanh, năng động, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Mặt hạn chế là các doanh nghiệp Việt Nam đa phần là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận nền công nghệ chưa được tiên tiến, tính chuyên nghiệp còn thấp nên khi tham gia nền kinh tế quốc tế, hoặc khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì chúng ta sẽ mất dần thị trường tại chính thị trường nội địa. Đây là những hạn chế mà các doanh nghiệp Việt Nam cần cố gắng hơn nữa.
Quan điểm của ông về việc tạo các doanh nghiệp “đầu tàu”, kể cả các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân để hình thành các doanh nghiệp có tính cạnh tranh toàn cầu thì sẽ phải theo xu hướng như thế nào?
Muốn tạo “quả đấm thép”, hay là tạo các doanh nghiệp có chức năng “đầu tàu” cho nền kinh tế thì một yếu tố bắt buộc phải thực hiện, đó là phải đảm bảo được yếu tố thị trường, nếu như tạo “quả đấm thép” bằng cơ cấu hành chính thì trước sau gì cũng không hoàn thành được mục tiêu này. Trong giai đoạn vừa qua, thành lập các tập đoàn kinh tế là thành lập thí điểm, cũng chưa có hành lang pháp lý cho việc hình thành và tồn tại loại hình tập đoàn kinh tế này, cần phải có những điều tiết cho phù hợp hơn về tương lai lâu dài.
Xin cảm ơn ông!
                                       
 

Tác giả bài viết: Vũ Thanh
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại