“Đường xa nghĩ nỗi sau này…” 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tình trạng hàng nghìn người dân đổ ra đường, tìm mọi cách để về quê, gây ùn tắc tại nhiều tuyến giao thông ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… tái xuất hiện khi nhiều tỉnh, thành phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hầu hết, đây là những trường hợp khó khăn, đã tiêu đến nhưng đồng tiền tích cóp ít ỏi cuối cùng, không còn trụ nổi lại các đô thị, phải tìm đường trở về quê bằng mọi cách bất chấp lệnh cấm và hành vi ngăn chặn quyết liệt từ phía chính quyền.

Trong vài thập niên trở lại đây, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng “vệ tinh” trở thành nơi mà lao động ở các tỉnh, thành địa phương trên cả nước, đặc biệt khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long tìm đến để sinh sống, làm việc. Riêng TP. Hồ Chí Minh, cứ 5 năm lại có thêm một triệu người, trong đó hơn 2/3 là người di cư từ các địa phương khác đến. Nguồn nhân lực này cũng đã giúp kinh tế TP. Hồ Chí Minh thêm phát triển, tuy nhiên, rất nhiều người trong đó chỉ có thể kiếm sống qua ngày. Với 3 tháng không việc làm, họ là những đối tượng chịu tác động nhiều nhất bởi đại dịch.

Mặc dù hiện nay chưa có con số thống kê chính thức về số lượng dân tản cư khỏi TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phía Nam về quê, nhưng ước tính phải đến hàng chục nghìn người “chạy dịch”. Dù Trung ương và các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này, nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào, rất nhiều người lâm vào cảnh cùng quẫn thực sự. Nếu còn chỗ để ở, còn đủ lương thực thực phẩm để trụ thêm 1 tháng hay hơn nữa, chắc hẳn cũng ít ai liều mình lặn lội đường xa mà về quê như vậy. Những người trở về địa phương này nếu không quản lý y tế chặt sẽ trở thành nguồn lây làm bùng phát đợt dịch mới, vô tình mang dịch bệnh về quê hương.

Các địa phương nơi đón công dân trở về đợt này cũng đang ở trạng thái như “ngồi trên đống lửa”, vì ngoài lo ngại dịch bệnh khó kiểm soát ra thì giải quyết vấn đề an sinh xã hội sau này cũng trở thành vấn đề nan giải. Người di cư không chỉ đóng góp cho sự phát triển của các đô thị, các trung tâm công nghiệp mà họ còn nuôi lại người thân ở nông thôn. Tiền gửi về quê của họ dùng để cải thiện mức sống cho cha mẹ, con cái ở lại, chữa bệnh và chi giáo dục cho con cái, đóng góp cải thiện cơ sở vật chất ở quê quán… và giúp họ duy trì sự gắn bó cũng như ảnh hưởng với quê hương. Tất cả những điều đó có thể sẽ bị phá vỡ nếu cơ chế quản lý, điều tiết xã hội không nhịp nhàng, hiệu quả.

Và rõ ràng nhất, hệ lụy trước mắt nhất khi nhìn vào dòng người ùn ùn đổ về quê do thất nghiệp, không thể không lo ngại về bức tranh phân bổ lao động thời kỳ hậu dịch. Nếu không giữ được lao động đã đào tạo nhiều năm thì có thể 1, 2 tháng nữa, khi khống chế được dịch bệnh thì doanh nghiệp không có công nhân để sản xuất. Các vấn đề thừa – thiếu nguồn nhân lực phục vụ tại các nhà máy, xí nghiệp… ở các địa phương được xem là “thủ phủ” ngành công nghiệp sẽ trở thành bài toán khó. Chắc chắn, nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động, xáo trộn dây chuyền sản xuất là kịch bản đầu tiên sẽ xảy ra sau khi dịch Covid-19 được khống chế, kiểm soát. Đương nhiên là nhu cầu “việc tìm người” sẽ trở thành cuộc khủng hoảng vô cùng lớn, khó có thể trở tay kịp nếu không có lời giải ngay từ bây giờ. Tác động này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà lây lan sang cả cộng đồng, xã hội, sinh kế của người dân.

Trong lúc này, để người dân không còn phải tìm mọi cách để di chuyển về quê, phải khiến họ yên tâm với hai việc – bảo đảm ăn ở và tính mạng. Cuối tháng 7, TP. Hồ Chí Minh từng phải đối mặt với tình trạng người dân tổ chức về quê tự phát. Khi đó, Bí thư Thành ủy thành phố đã kêu gọi người dân ngoại tỉnh ở lại thành phố để tiêm vaccine và khẳng định thành phố hỗ trợ tất cả bà con gặp khó khăn. Lần này, người đứng đầu Thành ủy một lần nữa nhắc lại thông điệp trên. Hai việc thành phố phải nỗ lực hơn nữa để giữ chân người lao động, tránh lây lan dịch bệnh ra nhiều nơi, đó là bảo đảm an sinh xã hội và tiêm vaccine. Khi những vấn đề này được giải quyết, nếu ai vẫn thực sự muốn về quê thì tạo điều kiện cho họ về, nếu được cơ quan y tế xác nhận âm tính và tiêm đủ 2 mũi vaccine.