EVN công bố lỗ lớn – sẽ lại đề nghị tăng giá điện?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Số lỗ trên vừa được Bộ Công thương công bố trong cuộc họp báo chiều 19/11, sau khi Tổ công tác liên bộ Công thương và Tài chính thực hiện kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN.

Trả lời báo chí mới đây, Phó Tổng Giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri, cho biết tính lũy kế từ năm 2010 đến hết tháng 8/2011, EVN lỗ khoảng 31.565 tỉ đồng.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đang có chương trình thoái vốn toàn bộ phần kinh doanh ngoài ngành, trước tiên là EVN Telecom dự kiến sẽ chuyển giao cho Viettel.

 “Riêng lĩnh vực bất động sản, chỉ có công ty con đầu tư khoảng vài tỷ đồng. Chúng tôi đang lên kế hoạch thoái vốn sớm đối với mảng ngân hàng, chứng khoán. Hy vọng 1-2 năm tới, về cơ bản sẽ thoái vốn xong”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, khoản nợ với nhiều tập đoàn kinh tế khác (nợ Tập đoàn Dầu khí (PVN) hơn 7.000 tỉ đồng, nợ Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) 10.000 tỉ đồng, nợ Tập đoàn Sông Đà hơn 5.500 tỉ đồng…). Nhiều tập đoàn đang đề nghị Bộ Công Thương thúc ép EVN trả nợ.

Tuy nhiên, “khả năng trả nợ của EVN rất khó khăn vì doanh nghiệp này đang lỗ, không thể cân đối được nguồn nào để trả nợ”- ông Đinh Quang Tri nói.

EVN đã báo cáo Chính phủ cho ưu tiên trả nợ các khoản vay nước ngoài đã đến hạn với số tiền cả gốc lẫn lãi khoảng 4.000 – 5.000 tỉ đồng/năm. Trường hợp được tăng giá điện, khoản thu chênh lệch tăng giá sẽ được tập trung trả nợ cho PVN và TKV.

Thứ trưởng Bộ Công ThươngTheo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, việc kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện 2010 căn cứ trên các tài liệu của EVN cung cấp, báo cáo Tài chính có kiểm toán độc lập kiểm toán, báo cáo Tài chính hợp nhất năm 2010 sau kiểm toán của EVN, công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên, hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện.

Bộ Công thương giải thích, một số nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh điện năm 2010 của EVN bị lỗ là do sản lượng thủy điện thấp (do thiếu hụt nước nghiêm trọng) nên tập đoàn này phải huy động các nhà máy chạy dầu và mua điện ngoài với giá cao gấp 3- 4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí. Ngoài ra, chậm tiến độ của một số nhà máy điện, biến động tỷ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng gây lỗ cho hoạt động của EVN trong năm 2010.

Chạy dầu khiến EVN lỗ 3.000 đồng/kWh

Phạm Lê Thanh- Tổng giám đốc EVN

Theo ông Phạm Lê Thanh, năm 2010, hạn hán đã khiến EVN mất đi khoảng 7 tỉ kWh từ thủy điện. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN phải đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất… Vì vậy việc chạy dầu để phát điện là yêu cầu bất khả kháng đối với EVN.

Ông Thanh tính toán, hai loại dầu được sử dụng chủ yếu để chạy điện là dầu FO và dầu DO. Giá của các loại dầu này năm 2010 trung bình khoảng hơn 15.000 đồng/lít và một kg dầu cho ra chưa được 5 kWh điện.

Do đó, tùy vào từng loại máy phát cụ thể, giá thành điện từ chạy dầu nói chung sẽ dao động từ 3.300 đồng – 4.300/kWh, trong khi giá bán ra chỉ là 1.050 đồng/kWh. Nếu chạy dầu DO hết thì lỗ đến 3.000 đồng/kWh.

Cũng theo ông Thanh, tất cả các hợp đồng mua bán điện của EVN đều có sự kiểm soát của Bộ Công Thương. Và theo tính toán, mỗi kWh điện hiện nay EVN đang phải cõng thêm 300 đồng nhưng do đảm bảo an sinh xã hội nên không được tăng giá. Theo cách tính này, Chính phủ và EVN đang bù lỗ 300.000 đồng/tháng cho mỗi hộ gia đình dùng 1 triệu đồng tiền điện/tháng.

Tăng giá điện cần cân nhắc lạm phát

Tại cuộc họp báo, sau khi công bố những khoản lỗ, lãnh đạo Bộ Công thương và Tập đoàn EVN đều khẳng định, việc “trả giá điện về đúng với giá trị thực của nó là cần thiết”.

Trước thông tin cho rằng, dù kêu lỗ nhưng lương của lãnh đạo ở EVN vẫn rất cao, ông Phạm Lê Thanh thừa nhận là có phản ánh đó. Tuy nhiên, theo ông, cần xem xét cụ thể bởi đó có thể là lương, có thể là thu nhập. Còn lương để hạch toán vào giá thành điện thì chỉ 7,3 triệu đồng/tháng.

“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn có thể được, còn nếu ở thành thị thì không thể sống được. Là Tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, ông Thanh nói.

Nhiều PV đặt câu hỏi, phải chăng, việc công bố lỗ, lãi của EVN là bước chuẩn bị cho việc tăng giá điện? Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trả lời cho biết chưa thể công bố việc này.

Liên quan đến vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế độc lập, mới đây cho rằng có hai mục tiêu quan trọng liên quan đến điều chỉnh giá điện là vì hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện và trách nhiệm của giá điện với lạm phát. Nhìn vào mục tiêu thứ nhất, có thể thấy nếu tiếp tục tăng giá điện, EVN vẫn lỗ và câu chuyện lỗ của EVN không thể xác định được nguyên nhân. Những đợt tăng giá điện trước đây cho thấy tăng giá chưa thể cải thiện được nguyên nhân thiếu điện, cho dù lý do là để tăng đầu tư.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, mức lỗ trong năm 2010 cộng với nợ của EVN chưa trả cho TKV và PVN đã được Bộ Tài chính chỉ đạo hạch toán vào giá điện. Bởi nguyên tắc EVN chỉ thực hiện sản xuất kinh doanh điện. “Lỗ do giá bán thấp hơn giá thành, đương nhiên lỗ của tập đoàn này sẽ được hạch toán vào giá điện trong những đợt điều chỉnh thời gian tới”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc EVN nợ nần dây dưa có nguyên nhân từ hiệu quả hoạt động không tốt nên không thể vì lý do đó mà đòi hỏi tăng giá.

Theo TS Vũ Đình Ánh, việc điều chỉnh giá điện dần theo cơ chế thị trường là cần thiết nhưng phải cân nhắc thời điểm thích hợp vì ảnh hưởng của tăng giá điện đến nền kinh tế là rất rộng.

Một số chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm xu hướng lạm phát hạ nhiệt như đã diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 chỉ bền vững khi được hỗ trợ bởi các yếu tố giá nhiên liệu thế giới không tăng đột biến; điện, than, xăng dầu trong nước không tăng giá. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 18%, dư địa cho CPI trung bình mỗi tháng cuối năm chỉ được tăng 0,58% trong khi đây là thời điểm có nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá. Nếu tăng giá điện vào cuối năm, rất có thể đó sẽ là nguyên nhân kích ngòi nổ lạm phát.

Không phải đề nghị nhiều là được tăng

Trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Không phải EVN mong muốn tăng 8 lần hay 10 lần là có thể thực hiện được ngay. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn và Chính phủ phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Nếu không đảm bảo cả hai mục tiêu này thì khó đạt kết quả mong muốn.

Chuyện EVN lỗ kéo dài được đề cập đã lâu, nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước đã bày tỏ sự lo ngại và không cho doanh nghiệp này vay vốn để tiếp tục đầu tư. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cần phải tái cơ cấu đầu tư mạnh trong ngành điện trong thời gian tới, để thu hút vốn ở khối tư nhân hơn nữa vì tỷ lệ đầu tư bên ngoài hiện còn thấp lắm.

Bên cạnh đó là phải tái cơ cấu doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu phải thành lập ba tổng công ty phát điện, hiện vẫn thuộc EVN. Sau thị trường phát triển rồi thì cổ phần hóa để đưa nó ra cạnh tranh, thu hút vốn.

Ngoài ra là đẩy mạnh cải cách hệ thống giá điện. Đó là những mục tiêu được đưa ra và phải làm từng bước. Nhưng nếu nền kinh tế ổn định thì việc điều chỉnh tốt hơn còn nếu khó khăn thì phải xem từng bước./.

Nhân Trí
Nguồn: VOV News