FII dồn sóng: Mừng và lo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nếu Chính phủ có biện pháp ngăn chặn sự đầu cơ tỷ giá, và cam kết giữ ổn định tỷ giá lâu dài thì dòng tiền FII chắc chắn sẽ đổ mạnh về thị trường chứng khoán VN và cơ hội cho sự tăng trưởng của 2 chỉ số chứng khoán của VN là rõ ràng

Theo ý kiến của một số chuyên gia, dòng vốn FII trong năm 2011 và những năm tiếp theo đang có xu hướng vận động ngược trở lại khu vực Châu Á, trong đó có Đông Nam Á.

Kỳ vọng

Tháng 11/2010, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chính thức thông qua kế hoạch bơm 600 tỷ USD ra bằng cách mua lại trái phiếu để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Theo kế hoạch, mỗi tháng, FED mua vào khoảng 75 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ có kỳ hạn dài, chủ yếu là các kỳ hạn 2-10 năm, trong thời gian từ nay tới hết tháng 6/2011. Như vậy, nguồn tiền này chính thức được giải ngân ra thị thường từ đầu năm 2011.

Hiện nay mức lợi tức siêu thấp tại thị trường Mỹ đang thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến những thị trường mới nổi có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn. Do đó sẽ gia tăng tỷ giá đồng tiền của các quốc gia này so với USD, kéo theo giảm sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, tạo ra nguy cơ bong bóng tài sản ở các quốc gia này. Chính vì vậy, trong thời gian tới các quốc gia mới nổi sẽ tìm đủ mọi cách để hạn chế dòng tiền FII đầu cơ này nhảy vào đất nước mình. Tiêu biểu là chính phủ Hàn Quốc, Thái Lan, Brazil, Đài Loan… đã đưa ra các chính sách ngăn dòng vốn đầu tư này bằng nhiều biện pháp như tăng thuế với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài để hạn chế nội tệ tăng giá.

Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế VN tháng 12/2010 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khẳng định: Trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và ổn định. Mặc dù tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu không đều khắp trên toàn thế giới, khu vực Châu Á vẫn đạt được thành tích khá tốt. Đặc biệt, trong khu vực Châu Á, VN vẫn tiếp tục đạt thành tích tăng trưởng khá ấn tượng. VN là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (EAP) trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và vẫn duy trì được vị trí đó cả sau khủng hoảng. Sau khi đạt mức tăng trưởng GDP thực 5,3% trong năm 2009, 6,5% trong năm 2010, nền kinh tế VN dự báo tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2011.

Bên cạnh đó, giá nhiều cổ phiếu hiện nay của các DN VN đang được đánh giá là thấp hơn giá trị sổ sách. Các DN niêm yết trong năm 2010 vẫn giữ được kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, triển vọng thị trường chứng khoán phục hồi trong năm 2011. Chính phủ VN nhận thức vai trò quan trọng của nguồn vốn FII và nỗ lực cải thiện cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư để thu hút FII. Tất cả những yếu tố trên đây hứa hẹn năm 2011 VN sẽ là thị trường trọng tâm thu hút các nguồn vốn FII lớn trên thế giới.

Cơ hội không thể bỏ qua

Gần đây, Ngân hàng Thế giới công bố xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2011: vươn lên 10 bậc, VN hiện đứng thứ 78/183 nước và nằm trong Top 4 nước có mức cải thiện tốt nhất. Đồng thời xét về tiềm năng trung dài hạn có thể nói thị trường chứng khoán VN vẫn là một kênh đầu tư được dự báo là sinh lợi nhiều nhất trong năm 2011. Chính vì vậy, VN là một địa chỉ hấp dẫn thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FII trong năm 2011.

Chúng ta có thể thấy Chính phủ thắt chặt tiền tệ ở quý cuối năm thì có thể kỳ vọng sự nới lỏng sẽ đến từ đầu quý 1/2011 để kích thích tăng trưởng trở lại. Số lượng phát hành trái phiếu năm 2011 dự kiến cũng chỉ bằng 45% so với năm 2010 cũng là một tín hiệu tích cực hơn… Trong suốt năm 2010 này, trong khi các nhà đầu tư trong nước liên tục thoái vốn, thì các tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài vẫn liên tục mua ròng. Đơn giản vì quan điểm đầu tư của họ luôn xét trong một khía cạnh dài hơi. Họ nhìn thấy những bất ổn của nền kinh tế VN lúc này là những vấn đề xảy ra trong ngắn hạn và tích cực chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư năm 2011.

Trong năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thấy sự ổn định của những yếu tố vĩ mô xoay quanh ba yếu tố là tăng trưởng, lạm phát và đặc biệt là tỷ giá. Nếu Chính phủ có biện pháp ngăn chặn sự đầu cơ tỷ giá, và cam kết giữ ổn định tỷ giá lâu dài thì dòng tiền FII chắc chắn sẽ đổ mạnh về thị trường chứng khoán VN và cơ hội cho sự tăng trưởng của 2 chỉ số chứng khoán của VN là rõ ràng.

Đồng thời, trên thế giới hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang rất ưu chuộng DR (một loại chứng chỉ có khả năng chuyển nhượng, đại diện cho một công ty không có trụ sở tại TTCK, thường được giao dịch và định giá bằng USD, chi trả cổ tức bằng USD có thể được niêm yết trên các thị trường chính thức hoặc giao dịch trên thị trường OTC tại nước ngoài). Quy mô phát hành DR trên toàn cầu không ngừng tăng lên từ năm 2009 đến nay, đặc biệt là rất nhiều Cty Châu Á đã huy động vốn thông qua DR.

Hiện nay, Bộ Tài chính VN đang nghiên cứu và dự kiến sẽ cho phép triển khai sản phẩm này. Những quy định liên quan đến DR của VN đã được đưa vào một dự thảo nghị định về việc niêm yết tại nước ngoài và cũng đã lấy ý kiến đóng góp của nhiều tổ chức. Nếu một sản phẩm tài chính như DR chính thức được triển khai tại thị trường VN, thì đây cũng chính là cơ hội cũng như công cụ ưu việt để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FII từ các tổ chức cũng như quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Nhưng cần cẩn trọng

Bên cạnh những mặt tích cực, FII còn ẩn chứa nhiều mặt tiêu cực có khả năng gây ra những bất ổn lớn cho nền kinh tế. Khi dòng vốn FII chảy vào quá lớn, vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế, thì nó sẽ làm giảm hiệu quả của các chính sách tiền tệ, tạo ra tình trạng bong bóng tài sản (đặc biệt là bong bong bất động sản), làm tăng giá nội tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực tài chính, cán cân thanh toán và toàn bộ nền kinh tế. Và hiện nay Thái Lan đang là một ví dụ điển hình cho sự hấp thụ quá nhiều FII này. Mặt khác, với đặc tính là dòng vốn mang tính ngắn hạn, FII sẽ nhanh chóng rút lui khỏi một quốc gia khi nền kinh tế của quốc gia này có những dấu hiệu bất ổn và cơ hội sinh lời của thị trường tài chính giảm, hoặc khi các nhà đầu tư nước ngoài đã đạt được lợi nhuận mong muốn, và chuyển sang các quốc gia khác có tiềm năng đầu tư tốt hơn. Điều này xảy ra bất ngờ sẽ tạo ra một cú sốc lớn, để lại những vết thương trầm trọng cho nền kinh tế của quốc gia mà không phải ngày một ngày hai có thể hồi phục.

Chính vì vậy, để VN có thể tránh được những tác động tiêu cực do FII gây lên, thì chúng ta cần xây dựng được một tổ hợp giải pháp đồng bộ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn này. Việc làm cấp bách trước tiên là VN phải cam kết giữ ổn định lâu dài tỷ giá. Chúng ta không được để đồng VN tiếp tục mất giá như thời gian qua, nhưng cũng cần phải có các chính sách phòng vệ không để đồng VN tăng giá so với các đồng tiền quốc gia khác (đặc biệt là USD) làm mất khả năng cạnh tranh của quốc gia. Đồng thời, thực hiện tăng cường dự trữ ngoại hối thông qua nhiều biện pháp như tăng cường xuất khẩu, giảm nhập khẩu (đặc biệt là đối với những mặt hàng xa xỉ), nâng cán cân thanh toán, khuyến khích kiều hối… để nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của việc dịch chuyển dòng vốn FII.

Thứ hai, VN cần thực hiện các gói chính sách tiền tệ nghiêm ngặt, bao gồm các biện pháp: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng để tránh làm bùng phát tín dụng cho vay trong nước (do dòng vốn FII đổ vào sẽ đẩy giá bất động sản lên cao). NHNN có thể yêu cầu nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các NHTM, rút bớt lượng tiền khỏi hệ thống lưu thông để làm giảm lạm phát. VN có thể cân nhắc tới biện pháp giảm lãi suất, làm cho các tài sản trong nước kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc lợi hại trước khi quyết định lựa chọn chính sách này.

Cuối cùng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ giám sát dòng vốn FII (NHNN, UBCK NN, Bộ Kế hoạch Đầu tư) để thực hiện kiểm soát việc dòng vốn vào với việc kiểm soát dòng vốn ra. Qua đó, chúng ta luôn chủ động đưa ra được những giải pháp kịp thời đối phó với việc dịch chuyển bất ngờ của dòng vốn FII.

Trần Nhật Huy Phó TGĐ CTY CP chứng khoán WOORY CBV
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp