Gói cước “tỷ phú” của Beeline có phạm luật?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cao bao nhiêu, khó tính!

Theo Nghị định 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ, thương nhân có quyền xúc tiến thương mại, trong đó có hoạt động khuyến mãi. Tuy nhiên, văn bản này cũng quy định việc khuyến mãi ấy không được vượt quá một số giới hạn luật định.

Cụ thể, giá trị vật chất dùng để khuyến mãi cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá trị của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi đó trước thời gian khuyến mãi. Ví dụ, giá ti vi trước khi khuyến mãi là 5 triệu đồng/cái thì giá trị khuyến mãi không được vượt 2,5 triệu đồng/cái.

Hoặc, tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Theo quy định, giá trị dịch vụ, ví dụ như trong trường hợp của Beeline chính là chi phí mà Công ty CP Viễn thông di động Toàn Cầu đã bỏ ra để tạo nên gói cước dịch vụ đó (tức giá thành của gói cước).

Có ý kiến cho rằng nếu “căn” vào quy định nói trên thì chưa chắc gói cước khuyến mãi “tỷ phú” đã vi phạm.

Trước khi tung ra gói cước trên, Beeline cũng đang tiến hành một gói cước khác có tên “Big Zero”. Gói cước này cho phép thuê bao được gọi nội mạng gần như miễn phí sau khi chỉ trả 1.350 đồng tiền cước cho phút đầu tiên và phút thứ 21.

Như vậy, quy định về hạn chế mức giá trị khuyến mãi từ 50% trở xuống so với giá trị đơn vị dịch vụ trước đó (cụ thể là “Big Zero”) sẽ rất khó áp dụng trong trường hợp đối với gói “tỷ phú” của Beeline.

Còn nếu căn cứ vào tổng giá trị dịch vụ khuyến mãi thì lại càng khó vì phải tính chi phí, giá thành của gói dịch vụ khuyến mãi. Đây là điều không đơn giản và tốn rất nhiều công sức.

Khó phạm Luật Cạnh tranh

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online mới đây, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, cho rằng phải dựa vào Luật Cạnh tranh để xem xét, xử lý.

Luật Cạnh tranh thực chất cũng có quy định khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh là hành vi bị cấm. Dù vậy, nội hàm của hành vi luật định này lại không đề cập đến giá trị khuyến mãi, nói cách khác, giá trị khuyến mãi quá cao không bị luật hạn chế.

Mặt khác, Beeline còn quá nhỏ bé, chưa phải là doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường viễn thông. Trong khi luật chỉ cấm hành vi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh đối với doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Do đó, xét về phương diện cạnh tranh khó có thể quy kết gói cước “tỷ phú” phạm luật.

Tuy nhiên, Beeline có thể vi phạm pháp luật về hành vi quảng cáo gian dối nếu giả thiết gói “tỷ phú” không được thực hiện đúng như đã quảng cáo. Nhưng đây lại là một vấn đề khác.

Công ty CP Viễn thông di động Toàn Cầu (mạng Beeline) vừa tung ra gói cước khuyến mãi có tên “tỷ phú”; theo đó, chỉ cần nạp tối thiểu 20.000 đồng/tháng, thuê bao sẽ có một tỉ đồng trong tài khoản và được gọi nội mạng miễn phí trong 30 ngày đầu tiên. Sau đó, tiếp tục nạp ít nhất 20.000 đồng để kéo dài thêm 30 ngày nữa (tính từ ngày nạp thẻ). Nếu không nạp tối thiểu 20.000 đồng sau khi thời hạn 30 ngày chấm dứt, thuê bao sẽ trở về giá cước thông thường. Thời gian triển khai gói cước này kéo dài trong 10 năm.

Ngay sau đó, Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông đã yêu cầu Công ty CP Viễn thông di động Toàn Cầu giải trình về gói cước khuyến mãi trên do có dấu hiệu phạm luật.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn