“Giải cứu” DN bằng khai thông thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
  TS Phạm Thị Thu Hằng Tổng thư ký VCCI: Cần phải đẩy mạnh hơn các biện pháp hỗ trợ khác đối với DN về thị trường, về các yếu tố đầu vào”

Hỗ trợ – chậm còn hơn không

– Bộ Công Thương đang chuẩn bị ban hành Đề án tháo gỡ khó khăn cho DN, gần đây nhất ngày 17/8, bộ cũng đã ban hành chỉ thị “giải cứu” DN. Đây được xem là những động thái rất quyết liệt của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những động thái này hơi chậm so với nhu cầu thực tế của cộng đồng DN. Ông (bà) nghĩ sao về ý kiến này ?

TS Phạm Thị Thu Hằng: Trong phát triển DN, vấn đề thị trường vẫn luôn luôn là vấn đề phải quan tâm hàng đầu trước khi nói đến các giải pháp về vốn. Trên thực tế Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều chính sách, triển khai các chương trình hỗ trợ về xúc tiến xuất khẩu, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa… tuy nhiên mức độ quyết liệt thì chưa cao và việc chậm triển khai đã làm giảm tính hiệu lực của chính sách. Nhu cầu thực tế của cộng đồng DN thay đổi  từng ngày, trong khi triển khai chính sách lại phải chờ các thủ tục, quy trình phê duyệt, thẩm định các định mức, giải ngân… Ngay cả ngân sách dành cho chương trình XTTM trọng điểm cũng cần phải lên kế hoạch trước một năm và năm 2012 thì bị giảm đáng kể, nên nếu có điều chỉnh thì cũng không dễ gì thực hiện trong một thời gian ngắn. 

  Ông Nguyễn Xuân Dương Chủ tịch HĐQT, TGĐ TCty CP May Hưng Yên: Chúng ta cần tỉnh táo để cứu những gì cấp bách và đáng cứu chứ không phải cái gì cũng cứu

Ông Nguyễn Xuân Dương: Tôi cho rằng, đề án đưa ra trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, với một nền kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh,  lấy XK để tự cân đối và phát triển thì bất kỳ một đề án nào cũng không thể giải quyết triệt để và toàn diện những khó khăn cho DN trong giai đoạn khủng hoảng của những thị trường XK chính của VN như hiện nay. Do vậy, theo tôi, các giải pháp mà bộ đưa ra đã tương đối bao quát những khó khăn hiện nay của DN.

Ông Đinh Quang Huy: Dù sao đây cũng là những hành động cụ thể mà Bộ Công Thương đang làm để hỗ trợ DN, và chắc chắn nó cũng sẽ có những tác động nhất định tới DN.

Theo tôi, khó khăn nhất của DN hiện nay chính là sức mua của thị trường đang rất kém, dẫn đến hàng hoá tồn kho nhiều, công nhân thất nghiệp hàng loạt… Đây là những khó khăn hàng đầu mà DN đang cần giải cứu chứ không phải là vấn đề vốn như người ta vẫn nói. Điều quan trọng là giải quyết được sức mua, nhằm ưu tiên tiêu thụ hàng trong nước.

TS Lê Đăng Doanh: Đây cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ Công Thương. Vấn đề là không nên bàn chuyện liệu đề án tháo gỡ khó khăn cho DN có chậm hay không, mà nên bàn đến việc tổ chức thực hiện đề án đó như thế nào.

Các DN đã dùng nhiều biện pháp để giải phóng hàng tồn (ảnh: Nguyễn Kim nhân mùa bóng đá Euro đã có chương trình cho khách hàng mượn tivi để xem rồi sau đó đã bán được số lượng tivi lớn)

Ông Cao Tiến Vị: Tuy các động thái này có phần chậm, nhưng cũng là việc tích cực và cần thiết trong thời điểm này. BCT nên được sự ủy quyền của CP, tập hợp các ý kiến, đề xuất của giới DN và phối hợp các bộ ngành khác quyết tâm khắc phục, xử lý để vực dậy các khó khăn kéo dài thời gian qua.

Tôi nghĩ đề án khá tốt, nhưng cần chi tiết hơn, chính thức bắt đầu và kết thúc khi nào, kết quả đem lại là những gì cho DN, cho nền kinh tế chung, nên mời gọi các DN cả nước gửi kiến nghị trực tiếp đầu mối BCT để tổng hợp, phân loại xử lý, chỉ gặp gỡ vài giờ đồng hồ sẽ chưa bao gồm toàn bộ xâu chuỗi sự kiện cần xử lý hết được.

– Nhiều ý kiến lo ngại về độ trễ của những giải pháp này bởi thực tế khó khăn của DN đã diễn ra từ lâu và nếu không kịp có thể có nhiều DN phá sản. Ngoài ra, các giải pháp này cũng được cho là chung chung, chưa đi sát vào những khó khăn thực tế của các DN, nhất là các DNNVV. Quan điểm của ông (bà) về vấn đề này ?

  Ông Đinh Quang Huy – Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ XD: Hãy để hàng hóa trở về với giá trị thực của nó thì nhu cầu có khả năng thanh toán sẽ lập tức tăng trở lại

TS Phạm Thị Thu Hằng: Quả là đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề về xây dựng các giải  pháp hỗ trợ DN một cách khoa học và bài bản hơn. Các giải pháp tác động đến yếu tố đầu vào và thị trường đầu ra, hỗ trợ trước và trong quá trình sản xuất luôn luôn là những giải pháp mang tính chất bền vững và  có ý nghĩa đối với DN. Các ưu đãi về thuế của Chính phủ đối với DN đương nhiên cũng đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên dường như các chính sách hiện nay đang lạm dụng công cụ thuế này, trong khi cần phải đẩy mạnh hơn các biện pháp hỗ trợ khác đối với  DN về thị trường, về các yếu tố đầu vào để giảm các rủi ro trong kinh doanh trước khi có được lãi để mà nhận ưu đãi về thuế TNDN này. Trong lúc các “ưu đãi” về thuế TNDN chưa nhìn thấy đâu thì các DN đã bị dội những “gáo nước lạnh” như: giá điện, xăng tăng… Sự thiếu đồng bộ trong chính sách có thể triệt tiêu lẫn nhau hiệu lực của chính sách và nỗ lực của các cơ quan nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Dương: Mặc dù giải pháp đưa ra là hợp lý, song chúng ta cần phải tỉnh táo để cứu những gì cấp bách và đáng cứu mới là yêu cầu khẩn thiết  lúc này. Chẳng hạn, cần tập trung ưu tiên cho thị trường XK, DN XK… Để thị trường có thể mở rộng, DN  tăng khả năng cạnh tranh cần tháo gỡ ngay những rào cản tự làm khó mình mà các bộ ngành đang dựng ra làm khó DN. Cung ứng vốn kịp thời (có cơ chế giám sát) cho các DN có hợp đồng XK nhưng thiếu vốn…

Ông Đinh Quang Huy: Tôi cho rằng một giải pháp mang tính tổng thể như vậy đã đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay của cộng đồng DN. Còn việc tổ chức thực hiện ở từng ngành, lĩnh vực thì cần có những văn bản riêng.

Còn về độ trễ, theo tôi bất kể đề án nào cũng đều có độ trễ của nó, bởi không thể có một đề án nào có tầm ảnh hưởng tới cả cộng đồng DN mà lập tức có thể thực hiện được ngay khi nó chưa được lấy ý kiến của các DN, hiệp hội ngành hàng…

  TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia Kinh tế: DN phải cân nhắc thiệt hơn giữa việc giữ hàng tồn kho với khả năng hàng hóa xuống chất lượng và sức mua

Trong bối cảnh các DN khó khăn như hiện nay tôi cho rằng DN nào cũng khó khăn chứ không riêng gì DNNVV. Do vậy, những giải pháp, chính sách hỗ trợ chung cho cả cộng đồng DN như vậy là hợp lý.

Ông Cao Tiến Vị: DNNVV hiện chiếm lượng lớn, ảnh hưởng khá nhiều đến an sinh và ngân sách, tuy nhiên hiện chưa được Chính phủ quan tâm thực sự và có giải pháp vực dậy. Thực tế chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng quốc tế, tuy nhiên tình hình tại VN có phần nặng nề hơn như lãi suất, lạm phát cao kéo dài… điều này do nội lực yếu, chính sách vĩ mô chưa kịp thời và chính xác, hệ thống ngân hàng cải thiện tính thanh khoản của các NH nhỏ chậm, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy lãi suất cao không hợp lý, khiến đến nền kinh tế bị ảnh hưởng… Hiện đã khá trễ, nhưng nếu có quyết tâm của hệ thống chính trị, của Chính phủ thì theo quan điểm của tôi  mọi việc vẫn có cơ hội cải thiện trong thời gian tới.

TS Lê Đăng Doanh: Tôi đồng ý rằng đề án này mới có các định hướng lớn, chưa có những giải pháp, biện pháo cụ thể. Nhưng quan điểm của tôi là dẫu sao các DN cũng nên tính tới các phương án tự cứu mình, không nên ngồi chờ “trời cứu”, hay “ông bộ” nào cứu.

“Bề nổi tảng băng”

– Tiếp cận vốn và giải phóng hàng tồn được cho là hai vấn đề khó khăn nhất của DN hiện nay. Nếu chỉ tập trung giải quyết hai khó khăn này ở thời điểm hiện nay liệu có giúp cho DN ?

TS Phạm Thị Thu Hằng: Theo tôi, hai khó khăn nêu trên chỉ là “ bề nổi”  của tảng băng chìm. Chúng ta vẫn phải quay lại vấn đề thị trường – đầu ra của DN. Đã có nhiều DN phải ngừng hoạt động  dẫn đến  nhiều người mất việc làm. Hệ lụy của nó là giá cả các mặt hàng đang ở mức cao (lạm phát). Do vậy, không bán được hàng và nhu cầu của xã hội thì lại giảm (thất nghiệp). Đáng tiếc là chỉ số thất nghiệp hầu như ít được quan tâm trong thời gian qua. Chúng ta mới có trên 7 triệu lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và đã thấy số lượng người lao động yêu cầu chi trả bảo hiểm thất nghiệp tăng lên đột biến trong thời gian qua. Còn trên 7 triệu lao động phi nông nghiệp hoạt động trong các hộ kinh doanh cá thể thì hầu như không có số thống kê nào về sức mua của họ  tăng hay giảm, nhất là khi họ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Do vậy, theo tôi cùng với việc hỗ trợ DN giải phóng hàng tồn kho và hỗ trợ vốn thì phải có các biện pháp củng cố sức mua của thị trường.

  Ông Cao Tiến Vị – Chủ tịch HĐQT Cty CP Giấy Sài Gòn: Cần khôi phục niềm tin của người dân, của mọi giới bằng các động tác thay đổi về vĩ mô

Ông Nguyễn Xuân Dương: Đây đúng là hai khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt. Thị trường trong nước đang tồn đọng môt số lượng hàng hóa  lớn nhưng không phải là hàng tiêu dùng thiết yếu mà là BĐS, VLXD… Loại sản phẩm này tồn đọng vì giá chào bán quá cao so với giá trị thực nên tất yếu không thể tiêu thụ được. Theo tôi, hãy để hàng hóa này trở về với giá trị thực của nó thì nhu cầu có khả năng thanh toán sẽ lập tức tăng trở lại. Hãy để những kẻ đầu cơ trục lợi trong lĩnh vực này phải trả giá. Hãy để các NH có nhiều nợ xấu vì cho vay thiếu thẩm định chặt chẽ, rút ra những bài học cần thiết.

Riêng với TCty CP May Hưng Yên, để giải bài toán đầu vào tăng, giá gia công không tăng, chúng tôi đã đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng… Chúng tôi đã đầu tư và áp dụng công nghệ hiện đại nên chất lượng và độ chính xác cao hơn, năng suất tốt hơn. Số lượng nhân công giảm được 50%, năng suất tăng lên 50%, từ đó nâng cao được doanh thu. Các đơn vị thuộc TCty cũng đã ký được đơn hàng đến tháng 3/2013, chiếm khoảng 30-40% lượng hàng.

Ông Đinh Quang Huy: Mỗi ngành có những khó khăn đặc thù, chẳng hạn trong ngành gốm sứ xây dựng của chúng tôi, hiện nay tồn kho rất nhiều và muốn giải phóng hàng tồn kho thì phải kích thích thị trường bất động sản, xây dựng cơ bản…

Trước thực trạng như vậy, các DN trong Hiệp hội đã phải đưa ra giải pháp giảm năng lực sản xuất, thậm chí đã có 20% DN ngừng sản xuất. Mấu chốt hiện nay là phải kích cầu bất động sản để chuyển động toàn xã hội, trong đó có ngành gốm sứ. Hiệp hội gốm sứ đã có công văn kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đề nghị không cho phép nhập khẩu xương gạch ceramic, granite vào VN, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh do gian lận gây khó khăn cho các DN trong nước.

Ngoài ra, việc tiếp cận vốn của các DN cũng rất khó khăn, mặc dù Ngân hàng nhà nước đã đưa lãi suất vay về 15% nhưng hiện cũng chỉ có khoảng trên 60% DN trong ngành tiếp cận được, còn lại vẫn là lãi suất cao. Bên cạnh những khoản vay mới được hưởng lãi suất thấp, NH vẫn yêu cầu DN phải trả nợ cũ thì mới được vay, trong khi hàng tồn kho không bán được.

Ông Cao Tiến Vị: Hàng tồn kho chỉ là một phần hệ quả của nền kinh tế, của DN. Muốn khắc phục điểm này cần khôi phục niềm tin của người dân, của mọi giới và các động tác thay đổi về vĩ mô. Các DN cũng phải thực sự cấu trúc lại, cân đối các hiệu quả, chỉ sản xuất khi thị trường hồi phục, có nhu cầu, chấp nhận thiệt hại suy giảm ít hơn là sản xuất ra rồi để tồn kho thì sẽ thiệt hại nặng nề hơn.

Cụ thể tại Giấy Sài Gòn, để giảm thiểu hàng tồn, chúng tôi chấp nhập sản xuất chậm lại, trả lương chờ việc cho công nhân và tập trung giảm hàng tồn kho. Song song đó là tập trung các chính sách và giải pháp ưu tiên cho việc bán hàng, lập kế hoạch thật sát sao để sản xuất và kinh doanh tương thích. Mục tiêu lúc này là bớt lỗ chứ không phải là lợi nhuận khi chi phí đầu vào ngày một tăng, sức mua giảm và không thể lên giá bù đủ cho đầu vào tăng.

TS Lê Đăng Doanh: Có rất nhiều giải pháp để DN ứng phó với vấn đề hàng tồn kho. DN Nguyễn Kim nhân mùa bóng đá Euro đã có chương trình cho khách hàng mượn tivi để xem. Không lẽ khách hàng xem xong suốt một mùa bóng, đã mắt mãn nhãn thì đem trả lại cái tivi. Nguyễn Kim thuyết phục luôn khách hàng mua tivi với giá rẻ, vậy là tiêu thụ được một lượng hàng tồn kho. Tôi đi qua các nhà hàng, thấy có rất nhiều chương trình mở tiệc buffet bia với lượng uống không giới hạn. Hỏi ra thì được biết các chương trình đó được sự tài trợ của các hãng bia. Đó cũng là một cách để DN bia bán được hàng, hơn là ngồi ôm đống hàng tồn kho, chờ sức mua tăng hơn mới bán. Trong khi đó nếu ôm bia tồn kho thì chỉ vài ba tháng bia đã giảm chất lượng… Nói như vậy để thấy có rất nhiều cách để DN đẩy mạnh việc bán hàng. Vấn đề là DN phải năng động, sáng tạo, nên tính toán cân nhắc thiệt hơn rõ ràng giữa việc giữ hàng tồn kho với khả năng hàng hóa xuống chất lượng và sức mua trong tương lai gần chưa chắc đã tăng.

Cùng với việc hỗ trợ DN giải phóng hàng tồn kho và hỗ trợ vốn thì phải có các biện pháp củng cố sức mua của thị trường

Đương nhiên, sau khi ứng phó với hàng tồn kho trước mắt, DN phải tái cấu trúc, phải tự thay đổi mình. DN cần phải có sự dũng cảm để thay đổi, lột xác, giống như loài rắn tự lột xác mình để lớn lên.

Tự cứu trước khi… nhờ người khác cứu

– Theo ông (bà) để các giải pháp hỗ trợ DN thực sự có hiệu quả, cơ quan chức năng, DN cần có những giải pháp gì ?

TS Phạm Thị Thu Hằng: Để đảm bảo tính khả thi thì các chính sách – nhất là từ góc độ quản lý vĩ mô  của ngành công thưong – thì một số chính sách  nên được triển khai qua các chương trình cụ thể. Chẳng hạn, các chương trình thúc đẩy thị trường nội địa thì cần tập trung hỗ trợ các DN để sao cho hàng hóa có thể xâm nhập vào vùng sâu, vùng xa. Chi phí phát sinh cho việc “thâm nhập” này cần phải được chia sẻ giữa Nhà nước và DN. Cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” cần đi vào thực chất hơn, các cơ quan nhà nước phải gương mẫu trong việc sử dụng các sản phẩm do VN sản xuất, kể cả từ sản phẩm nhỏ nhất. Cần phân chia ngành nghề cụ thể để có chương trình phù hợp hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho.

DN cần quan tâm hơn đến cơ cấu sản phẩm, ưu tiên đảm bảo dòng tiền mặt ổn định, từng bước bắt đầu chu kỳ kinh doanh mới với sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của thị  trường.

Các chính sách hỗ trợ về tiếp cận về vốn cần quan tâm đến đặc điểm của các DNNVV. Việc  các NH hạ lãi suất cho vay vẫn chưa đủ. Chính sách hỗ trợ DNNVV do vậy cần quan tâm hơn đến viêc khuyến khích các NH có tỉ lệ cao về  dư nợ tín dụng cho DNNVV, tăng cường các hình thức cho vay tin chấp, dựa vào đánh giá định mức tín nhiệm…

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay DN cần quan tâm hơn đến cơ cấu sản phẩm, có thể phải đánh đổi việc hạ giá sản phẩm để giải phóng hàng tồn kho, tạo tính thanh khoản cho DN, ưu tiên đảm bảo dòng tiền mặt ổn định, từng bước bắt đầu chu kỳ kinh doanh mới với sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của thị  trường.

Ông Nguyễn Xuân Dương: Bên cạnh những khó khăn về vốn, hàng tồn kho… có một thực tế là trong khi hàng hoá tồn kho nhiều, DN giảm sản lượng sản xuất… thì ngay bản thân khâu lưu thông phân phối cũng đang bị các “con buôn” lũng đoạn. Người tiêu dùng đang phải mua hàng hóa với giá cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu và giá thành sản xuất. Theo tôi, đây mới là vấn đề cần bàn, cần bổ sung cho giải pháp hỗ trợ lâu dài để giúp kiềm chế lạm phát và kích thích sản xuất phát triển.

Một vấn đề nữa là giá thành sản xuất nông sản, thực phẩm trong nước cao hơn so với nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Vì sao? Vì sản xuất manh mún, lưu thông phân phối lạc hậu là những vấn đề cần khắc phục nhanh. Đây là những vấn đề không chỉ Bộ Công Thương mà đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và DN cần chung tay góp sức trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ông Đinh Quang Huy: Tôi cho rằng giải pháp duy nhất lúc này là giải quyết hàng tồn kho. Hiện nay số vốn ứ đọng trong hàng hoá tồn kho của các DN gốm sứ vào khoảng trên 3 nghìn tỉ đồng, (tương đương 70-80 triệu m2, tổng sản lượng của toàn ngành trong 2 tháng). Trong khi gạch trong nước sản xuất ra không tiêu thụ được thì gạch NK vẫn tràn vào thị trường. Trong 26,59 triệu USD kim ngạch NK mặt hàng gạch và sứ vệ sinh 7 tháng đầu năm 2012, riêng nhập khẩu gạch từ Trung Quốc đã chiếm tới 23,074 triệu USD, NK sứ vệ sinh khoảng 888.000 USD.

Cần tháo gỡ ngay những rào cản đang dựng ra làm khó DN

Riêng với ngành gốm sứ, chúng tôi cũng đề nghị thành lập tổ công tác kiểm tra hàng hoá từ đầu nguồn, công tác hải quan cần thực hiện nghiêm túc để tránh hàng lậu tuồn vào trong nước. Đây là việc không phải là mới, ngay bản thân các nước ASEAN cũng đã thực hiện vấn đề này với Trung Quốc và các nước khác.

TS Lê Đăng Doanh: Một trong những biện pháp mà DN rất trông đợi ở Chính phủ hiện nay, đó là giảm thuế. Chính phủ hoàn toàn có thể giảm thuế thu nhập DN xuống mức 20%. Lãi suất tín dụng tuy đã hạ xuống khá thấp, nhưng vẫn còn cao hơn một số thị trường khu vực. 

Ông Cao Tiến Vị: Vấn đề là hành động vì mục tiêu lợi ích quốc gia, chủ quyền, kinh tế của dân tộc. DN của chúng tôi mong đợi được thấy rõ những hành động vì mục tiêu đó một cách quyết liệt, mạnh mẽ, rõ ràng hơn nữa, từ hệ thống chính trị, từ các cơ quan trung ương. Và dĩ nhiên trong đó không thể thiếu sự đồng thuận của các DN. Sự chịu đựng, gồng mình trong một bối cảnh kinh tế khó khăn của DN thời gian đã chứng minh sự đồng thuận, cũng như sự chờ đợi này.

– Trân trọng cảm ơn !

Tích cực, quyết liệt rút ngắn độ trễ chính sách

Hai vấn đề khó khăn hiện nay của DN là vốn và giải quyết hàng tồn kho. Về vốn, NHNN, Bộ Tài chính đã có những giải pháp cụ thể, tích cực bước đầu đã đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Chẳng hạn, câu chuyện hàng tồn kho đang là câu chuyện nổi lên trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào những giải pháp cấp bách và kịp thời. Trong đó phải kể tới các giải pháp: Kích cầu để tiêu thụ sản phẩm, thông qua việc đẩy nhanh việc giải ngân các công trình xây dựng cơ bản. Chính phủ đã quyết định với những công trình có khả năng kết thúc việc xây dựng trong năm 2012 mà thiếu vốn có thể được sử dụng vốn ứng trước của năm 2013.

Đối với các thị trường tiêu thụ, sản phẩm ở bên ngoài phải lập tức tổ chức các hoạt động XTTM, tham gia các Hôi trợ triển lãm, các chương trình giới thiệu sản phẩm của VN. Khuyến khích việc tiêu thụ hàng hoá của VN sản xuất, nhất là ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi, các khu công nghiệp nơi hiện nay vẫn rất thiếu hàng. Tuyên truyền, giải thích để các DN thấy rằng với những Hiệp định mậu dịch tự do đã ký, nếu tranh thủ được thời cơ, lợi thế mà các hiệp định này mang lại thì chỉ trong thời gian ngắn có thể đưa được lượng hàng XK đáng kể…

Để khắc phục được độ trễ trong quá trình đưa các văn bản, cơ chế chính sách vào thực hiện, trong Đề án của Bộ Công Thương có hai giải pháp, một là giải pháp lâu dài, hai là giải pháp cấp bách và phải làm ngay. Trên thực tế, vừa qua đã thực hiện một số giải pháp rất kịp thời, bước đầu có hiệu quả. Ví dụ, câu chuyện liên quan tới NH, thuế, giảm chi phí… mà Bộ Tài chính tổ chức thực hiện. Kích cầu trong đầu tư bằng việc Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã thống nhất tiêu thụ lượng xi măng nhất định trong việc xây dựng các công trình giao thông… Qua đó, tồn kho xi măng, sắt thép bước đầu đã có giảm hơn. Hay câu chuyện NH cho DN vay bằng thế chấp hàng hoá tồn kho, bằng thế chấp các hợp đồng XK đã được ký kết…

Bộ Công Thương thực hiện tổ chức các sự kiện XTTM, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, chương trình đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, nông thôn…

Tôi cho rằng, ngoài việc phải xác định rõ các giải pháp đưa ra phải đi ngay vào cuộc sống. Điều quan trọng là thái độ của chúng ta, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các DN phải tích cực, quyết liệt sẽ giúp rút ngắn được độ trễ về mặt thời gian đưa cơ chế chính sách đi vào cuộc sống.

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp