Giải pháp cứu doanh nghiệp: Địa phương lúng túng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

DN “cõng” nợ

Ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho biết: Bắc Giang hiện còn khoảng 3.300 DN trên giấy tờ nhưng số DN ngừng hoạt động, giải thể thực tế rất lớn. Ví dụ ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều nhà máy gạch tuy-nen đã bị ngân hàng phong tỏa. Vốn liếng của các DN ít trong khi nhu cầu vay lại rất lớn nên ngân hàng không thể đáp ứng được. Trong điều kiện hiện nay, ngân hàng càng cho vay chặt chẽ vì có nhiều DN giải thể, phá sản cõng theo số nợ ngân hàng. Một loạt DN XNK trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn nợ thuế đã bỏ trốn.

Tình hình của DN đã được thấy rõ, nhưng các địa phương còn lúng túng trong cách ứng cứu DN. Ông Trịnh Hữu Thắng chia sẻ: Sau khi tỉnh họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN cũng không tháo gỡ nổi vì cho vay là quyền của ngân hàng, không ai được can thiệp mặc dù DN liên tục đề nghị trong lúc khó khăn ngân hàng nới lỏng quy chế cho vay để DN tiếp cận vốn, nếu không năm 2013 sẽ càng khó khăn hơn.

Đồng tình với chia sẻ này, ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An chia sẻ: Nghệ An có khoảng 10.000 DN thì 40% hầu như tê liệt, còn lại 60% đang hoạt động. Trong số đó, chỉ 30% hoạt động tương đối ổn định. Các DN, đặc biệt DN sản xuất đang bế tắc. Hiện nay DN sản xuất vật liệu xây dựng khó nhất vì Nhà nước cắt giảm đầu tư công, nên tiêu thụ vật liệu kém.

Ông Đại Văn Giới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cũng bức xúc: Hiện nay sản xuất kinh doanh rất khó khăn. Chúng tôi đã đi khảo sát ở Công ty Honda Việt Nam, thực tế là sản xuất giảm gần 18%, tiêu thụ giảm 50%. Việc này ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của địa phương. Hiện nay Vĩnh Phúc cũng tập trung “cứu” DN nhưng khó nhất vẫn là nguồn vốn từ ngân hàng.

DN ở địa phương vẫn “bơ vơ”

Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, hiện nay một số giải pháp hỗ trợ DN của Nhà nước vẫn chưa trúng. “Chúng ta cần giúp DN vay được vốn để sản xuất. Hiện nay Nhà nước nên quản lí “đầu ra” về lãi suất cho vay để ổn định sản xuất, từ đó ổn định giá thành, giá cả sản phẩm, tức cần áp trần lãi suất cho vay. Chúng ta đang làm ngược, “đầu vào” khống chế, “đầu ra” thả lỏng. Bên cạnh đó, các sắc thuế cần nghiên cứu theo hướng lĩnh vực nào cần khuyến khích thì áp mức thuế thấp, lĩnh vực nào không khuyến khích thì phải chịu mức thuế cao” – ông Độ đề xuất.

Để hỗ trợ cho DN, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về lâu dài cần hoàn thiện kinh tế thị trường, cải cách thể chế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Nếu có môi trường bình đẳng, thuận lợi để các DN cạnh tranh bằng chính năng lực của mình, đầu tư của DN sẽ đúng hướng. Khi đó, chúng ta sẽ có một thế hệ doanh nhân, DN thực sự đi bằng đôi chân của mình và chiến thắng bằng năng lực cạnh tranh của mình. Như vậy nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: “Về trước mắt, các DN đang còn rất khó khăn như tồn kho, nợ xấu, chi phí sản xuất của DN quá cao, thủ tục hành chính phức tạp. Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ cố gắng không làm cho DN chịu thêm nhiều chi phí tăng thêm trong vài ba năm trước mắt để có thể củng cố, chuẩn bị cho đà tăng trưởng mới. Chúng tôi cũng đã đề nghị tiếp tục các chính sách giảm, giãn thuế cho DN như Chính phủ đã làm thời gian qua, đưa lãi suất về mức DN chịu được, giảm hoặc giữ ổn định tiền thuê đất trong một vài năm trước mắt…”.

Trong thời điểm này các DN cần quay lại những vấn đề cơ bản về quản trị DN, coi việc nâng cao quản trị DN là yếu tố then chốt quyết định thành công của DN. DN FDI thời gian qua thành công và trụ vững được trong gian khó là vì thực sự năng lực cạnh tranh của họ cao hơn DN trong nước. Một bộ phận DN nhỏ và vừa của Việt Nam cũng đã chú ý đến quản trị, đến hệ thống quản trị rủi ro, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh XK, dựa vào thị trường thế giới nên có sức đề kháng khá tốt. Nhiều DN vẫn trụ vững và mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì thế bối cảnh hiện nay đặt các DN về một yêu cầu phải tái cấu trúc lại chính DN của mình, nâng cao trình độ quản trị chứ không còn con đường nào khác.

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI

Lương Bằng
Nguồn: Báo Hải quan Online