Giải pháp đột phá tái cơ cấu kinh tế: Đất đai và… đất đai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.


Góp ý về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế tại hội nghị trực tuyến ngày 27/4 với các đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến nhận xét, đề án còn thiếu nguồn lực, thiếu lộ trình và đặc biệt là thiếu giải pháp đột phá.

Được mời phát biểu sau cùng, Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà nói rằng, các giải pháp được nêu tại đề án rất đúng nhưng chưa đủ. Nhấn mạnh là nếu không có giải pháp đột phá thì rất khó có thể thực hiện, nhưng để xác định được giải pháp này thì phải xác định được cái gì là yếu nhất trong cấu trúc hiện nay.

Đó chính là đất đai, theo quan điểm riêng của ông Hà. Quy định về đất đai và giá đất liên quan đến đầu tư công, đến hệ thống tài chính tiền tệ, đến tất cả các lĩnh vực, song theo nhận xét của vị Phó chủ tịch thành phố năng động nhất của cả nước, thì đây lại chính là điểm nghẽn lớn nhất cả về kinh tế và cả về xã hội.

“80% khiếu kiện liên quan đến đất đai, bất ổn xã hội do đất đai, giảm sút lòng tin cũng từ đất đai!”, ông Hà phân tích.

Liên quan đến phân bổ nguồn lực, một trong các yếu tố được nhấn mạnh về mức độ quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế, ông Hà cho rằng, hiện nay tỷ trọng rất lớn của chi phí đầu tư là đất đai. Rõ nhất là khi làm đường thì chi phí bồi thường đất để giải phóng mặt bằng là lớn nhất, chứ không phải chi phí xây dựng,

Bởi vậy, giải pháp đột phá, theo ý kiến của ông là phải tập trung vào giảm giá đất, sửa Luật Đất đai. Và tái cấu trúc doanh nghiệp cũng cần tập trung vào doanh nghiệp địa ốc, giảm giá đất trên thị trường đến mức thấp nhất, đến mức nền kinh tế chịu đựng được.

“Làm cái này giải quyết được tất cả các điểm khác, cả cải cách hành chính, thể chế, kể cả phân phối lại nguồn lực”, Phó chủ tịch Hà nhấn mạnh.

Nhắc lại tồn tại lớn nhất hiện nay là đất đai, ông Hà đề nghị, “thời gian tới tập trung vào đất đai, duy nhất vào đất đai thôi”. Dù ông nói thêm, “tất nhiên các giải pháp khác vẫn làm”.

Nhất trí cao với ý kiến cần có giải pháp đột phá của ông Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói, cá nhân ông cũng thấy, đất đai là điểm nghẽn rất quan trọng, rất bao trùm, song cũng là vấn đề rất lớn và rất khó giải quyết.

Như vậy, đất đai, từ góc nhìn của nhà quản lý, đang là vấn đề rất “nóng” trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Trần Du Lịch, một trong số ít các vị đại biểu đặt vấn đề cần xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế từ Quốc hội khóa 12, tại tham luận về tái cơ cấu đầu tư công – một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế – ở hội thảo về kinh tế vĩ mô gần đây đã nhận xét rằng: “Trong những bất cập về quản lý kinh tế của đất nước, thì sự bất cập trong quản lý thị trường bất động sản là điển hình nhất”.

Nguyên nhân sâu xa của sự bất cập trong quản lý thị trường này, theo đại biểu Lịch xuất phát từ sự thiếu minh bạch và “không chính danh” trong các quy định liên quan đến quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Cho đến nay, về mặt vĩ mô, Nhà nước chưa có chính sách tài chính đồng bộ để điều tiết thị trường bất động sản. Chưa sử dụng công cụ thuế và phí để điều tiết lợi nhuận siêu ngạch trong kinh doanh bất động sản trong nhiều năm và chống đầu cơ đất. Các công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội Nhà nước đầu tư nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị, nâng giá trị sử dụng đất, tạo ra địa tô cấp sai rất lớn, nhưng người hưởng lợi không chịu một nghĩa vụ tài chính nào.

Để phát triển thị trường bất động sản, theo ông Lịch, cần phải sửa đổi đồng bộ các đạo luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản và kể cả luật về các tổ chức tín dụng. Tác động đến thị trường bất động sản bao gồm hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai quy hoạch, xây dựng và pháp luật về tài chính, nên việc hoàn thiện thị trường bất động sản không thể chỉ dựa vào những đạo luật riêng rẽ.

Cũng như nhiều vị đại biểu khác, ông Lịch cho rằng, hiện nay tổng kết để sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết và quan trọng nhất. Tuy nhiên, mới đây, sau hơn một lần xin lùi, Chính phủ lại tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư vào cuối năm nay sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Trong khi, năm 2012 vẫn được nhấn mạnh là năm khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu kinh tế!

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam