Giải pháp tổng thể
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lấy chuyện viện phí làm ví dụ. Đứng trước thực tế là giá nhiều loại dịch vụ y tế quá thấp, Bộ Y tế đưa ra đề xuất tăng viện phí. Thật ra, nhiều người cũng từng lên tiếng về chuyện bác sĩ khám một ca bệnh chỉ được tính 3.000 đồng, mổ một ca tiểu phẫu chỉ có 10.000 đồng… thì không thể nào nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đề nghị này lập tức vấp phải sự phản đối của người dân với những lý do cũng hợp lý không kém: mức tăng 7-10 lần là quá đột ngột, giá dịch vụ y tế quá cao sẽ đẩy người nghèo vào chỗ cùng cực…

Giả sử thay vì một kế hoạch tăng viện phí đơn thuần, Bộ Y tế đưa ra một chương trình cải thiện toàn diện việc chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, vấn đề sẽ được nhìn nhận khác hẳn. Một chương trình như thế phải là sự phối hợp nhiều ngành, có nghiên cứu thực tế, dựa trên những số liệu thống kê chính xác, những khảo sát tại nhiều địa phương. Chẳng hạn, đi kèm với việc tăng giá dịch vụ y tế là việc mở rộng bảo hiểm y tế, trong đó người nghèo được cấp bảo hiểm miễn phí, khoản đồng chi trả có nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào thu nhập của bệnh nhân. Hay một khi viện phí tăng lên, sẽ có những cải thiện đo lường và kiểm chứng được về chất lượng dịch vụ để không còn cảnh bác sĩ phải khám hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, mỗi giường bệnh không còn cảnh 3, 4 người cùng nằm.

Nhìn rộng ra một chút nữa, chắc chắn việc tăng viện phí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh và gia đình của họ. Nó sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế nói chung. Chi phí cho các dịch vụ y tế tăng sẽ kéo theo mức đóng bảo hiểm y tế tăng lên. Liệu công nhân với đồng lương còm cõi có chịu đựng nổi; liệu các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày có kham nổi phần đóng góp của họ?

Hay nếu gắn chuyện tăng viện phí với giá thuốc, liệu Bộ Y tế đã tính đến chuyện kiểm soát giá thuốc trên trời như dư luận từng phản ánh nhiều năm nay? Các dạng “cổ phần hóa” một số dịch vụ ở bệnh viện nơi bệnh nhân bị ép phải sử dụng với giá cắt cổ, liệu Bộ Y tế đã có biện pháp gì để chấn chỉnh?

Có lẽ chính vì vậy mà tuần trước Bộ Y tế đã thừa nhận dự thảo tăng một phần viện phí còn thiếu tính khoa học và chưa được nghiên cứu đầy đủ, mới chỉ dựa trên ý kiến của một số bệnh viện gửi về.

Ở đây cũng phải thấy vai trò “xã hội hóa” các nghiên cứu phục vụ cho những dự thảo loại này. Xã hội luôn cần các tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, mang tính độc lập để đưa ra những nghiêu cứu khách quan. Những tổ chức đó hoàn toàn có thể huy động nguồn kinh phí từ xã hội để phục vụ lại cho xã hội. Các cơ quan nhà nước dường như chưa chú trọng đến nguồn lực này, thậm chí xem đó như những phản biện khó chịu, khó nghe.

Đúng là một khi không được tổ chức bài bản, phần nhiều các ý kiến chỉ dựa vào cảm tính hoặc trải nghiệm cá nhân trong một môi trường hạn hẹp. Nhưng nếu các cơ quan nhà nước xem đó là những công cụ hỗ trợ cho mình, xã hội không thiếu những người có tâm huyết, có chuyên môn để giúp một tay trong việc tìm ra giải pháp tổng thể cho các vấn đề kinh tế-xã hội mà viện phí chỉ là một minh họa thời sự.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online