Giảm lãi suất các khoản cho vay cũ – sẽ lợi cho ai?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hãy nhìn vào một ví dụ giả định về một doanh nghiệp trước đây vay 10 tỷ đồng với lãi suất 20%/năm, nghĩa là mỗi tháng phải trả 1,67 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng. Nay lãi suất giảm về 15%/năm, thì số tiền phải trả chỉ là 1,25 tỷ đồng/tháng. Nghĩa là mỗi tháng cũng tiết kiệm được 0,42 tỷ đồng, tức 420 triệu đồng. Đây là số tiền giảm rất lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Đối với những dự án lớn, số tiền vay ngân hàng từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, thì số tiền giảm mỗi tháng cũng lên đến cả tỷ, hay chục tỷ đồng. Doanh nghiệp không những không phải trả lãi ngân hàng hàng tỷ đồng, lại còn có cơ hội bổ sung số tiền lãi hàng tháng lẽ ra phải trả đó vào vốn lưu động. Các hộ kinh doanh cá thể có khoản vay cả tỷ đồng cũng sẽ tiết giảm được nhiều chi phí trong bối cảnh giá cả đầu vào không giảm, hoặc cầm cự được trong bối cảnh đầu ra khó khăn.

Đối với người tiêu dùng, cho dù họ có đủ năng lực trả nợ các khoản vay cũ với mức cao từ 20%/năm trở lên đi nữa, thì với việc lãi suất giảm về 15%, cũng giúp họ tiết kiệm được khá nhiều tiền. Giả sử trước đây nếu vay 500 triệu đồng để mua xe ô tô với lãi suất là 22%/năm, thì nay giảm được 9% lãi suất. Tính ra, mỗi tháng khách hàng cá nhân vay tiền đã giảm được 3,75 triệu đồng. Hơn nữa, khi chi phí lãi suất giảm, có thể kích thích người tiêu dùng đẩy mạnh mua sắm hơn.

Thế nhưng, tác dụng của việc hạ lãi suất chưa hẳn đã tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp. Bởi với những doanh nghiệp không còn sức sống, chỉ chờ phá sản, thì lãi suất giảm có lẽ chỉ bớt giảm thêm các khoản lỗ, còn không thoát khỏi thảm cảnh dừng sản xuất. Hơn nữa, với những doanh nghiệp không vay vốn ngân hàng, thì chính sách hạ lãi suất này lại chưa bao trùm đến họ. Với những nhóm này, biện pháp tốt nhất là tìm cách để họ tiếp cận được vốn mới đang có lãi suất rẻ hơn, từ 13 đến 14%/năm, thậm chí thấp hơn.

Vậy các ngân hàng thương mại được lợi gì từ việc giảm mạnh lãi suất các khoản cho vay cũ này? Nhìn chung thì việc giảm lãi suất cũng là biện pháp giúp giảm gia tăng nợ xấu. Bởi với tình trạng sản xuất đình đốn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, lãi mẹ đẻ lãi con. Khi lãi suất vay giảm mạnh đối với các khoản vay cũ, thì khoản nợ gia tăng hàng tháng, cả lãi mẹ, lãi con sẽ giảm theo. Rõ ràng, khoản nợ xấu và tiền phạt doanh nghiệp do chậm trả cũng bớt đi.

Nhưng với các ngân hàng thương mại, cái lợi không như nhau. Nhìn vào mức độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm, thì cả ngành ngân hàng chỉ tăng có 0,76%. Có nghĩa là có những ngân hàng tăng cao hơn, nhưng có ngân hàng tăng thấp hơn, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Với những ngân hàng tăng trưởng tín dụng mới nhiều hơn, nghĩa là dư nợ của các khoản vay cũ không nhiều, thì việc giảm lãi suất các khoản vay cũ không làm lợi nhuận của họ bị tác động mạnh. Bởi các khoản cho vay mới lãi suất cho vay đã được kéo về mức từ 14 đến 15%/năm.

Thế nhưng với những ngân hàng không cho vay thêm, chủ yếu là nợ cũ, thì việc giảm mạnh lãi suất sẽ khiến họ bị tác động mạnh. Đó là việc lợi nhuận từ lãi suất sẽ sụt giảm. Bởi trước đây những ngân hàng này cũng phải huy động lãi suất cao, thậm chí đến 17%/năm. Nay lãi suất cho vay về 15%, thì sụt giảm mạnh lợi nhuận là điều không tránh khỏi. Với nhóm ngân hàng này, chắc chắn họ sẽ phải điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận. Cái khó của họ là khi đại hội cổ đông hồi đầu năm, mục tiêu lợi nhuận đã được đặt ra, nay giảm lợi nhuận mục tiêu, chắc chắn không ít cổ đông sẽ phản đối. Thêm nữa, mức lãi suất mà ngân hàng ấn định cho vay đối với từng khách hàng trước đó thể hiện mức rủi ro với từng đối tượng. Nay cùng giảm về 15%/năm tức là mang tính cào bằng. Những khách hàng có độ rủi ro cao vẫn được tiếp cận với lãi suất rẻ hơn, ít nhiều cũng đẩy cái khó cho ngân hàng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, trên bình diện chung thì điều này cũng có lợi cho chính các ngân hàng như kìm giữ nợ xấu gia tăng. Khi giảm lãi suất, doanh nghiệp phục hồi sản xuất thì nợ được thanh toán, lúc đó ngân hàng cũng thoát khỏi cám cảnh bó vốn như hiện nay. Do đó, bản thân các cổ đông cũng là các nhà đầu tư phải chấp nhận thực tế này, chia sẻ với cái khó của lãnh đạo ngân hàng, chia sẻ với cái khó của doanh nghiệp và tình hình chung của nền kinh tế.

Nhìn chung theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, động thái yêu cầu các ngân hàng thương mại đưa lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa 15%/năm là hợp lý vào thời điểm này. Dù hơi hướng mang tính hành chính, thì có lẽ vẫn là biện pháp cần thiết lúc này. Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp trên bờ vực sụp đổ, thì ngân hàng lại công bố lãi không phải là ít. Giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước cùng với biện pháp hạ trần lãi suất huy động về 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, từ đó lãi suất đầu ra giảm về khoảng từ 13 – 14%/năm, sẽ là những yếu tố kích thích chi tiêu của người dân và doanh nghiệp. Lúc này, cầu hàng hóa tiêu dùng là rất quan trọng để kích thích sản xuất.

Dù vậy thì mọi điều tích cực vừa phân tích vẫn trên cơ sở suy luận logic. Còn thực tế có diễn ra như vậy hay không, còn phụ thuộc vào sự tích cực, sự đồng lòng chia sẻ của các ngân hàng thương mại. Liệu họ có đồng hành cùng doanh nghiệp, hay lại kèm theo điều kiện giảm lãi suất, yêu cầu doanh nghiệp phải chi thêm những khoản phí ngoài hợp đồng. Như vậy, không khác gì tình trạng lách trần lãi suất huy động như trước đây.

 Chưa thống nhất các khoản vay cũ
được áp dụng lãi suất 15%/năm

        Từ ngày 16.7, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về mức 15%/năm. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành hướng dẫn nên các ngân hàng chưa thống nhất về việc giảm cho vay ngắn, trung, dài hạn, hay lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, Ngân hàng ACB cho biết sẽ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, hộ cá thể, vay bổ sung vốn sản xuất kinh doanh, còn không giảm lãi suất với doanh nghiệp bất động sản, cá nhân vay mua nhà để ở. Ngân hàng OCB thì công bố giảm lãi suất về mức 15% cho các khoản vay thuộc bốn lĩnh vực ưu tiên. Đối với các lĩnh vực khác, ngân hàng này sẽ tùy theo uy tín của doanh nghiệp để xem xét giảm lãi suất cho vay nếu thấy cần thiết. Ngân hàng Sacombank cũng chỉ áp dụng lãi suất 15%/năm với các khoản vay cũ của khách hàng doanh nghiệp, không áp dụng với khách hàng cá nhân.

Quang Minh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân