Giảm lãi suất: Đã thấy “dễ”, nhưng còn khó…
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cũng như cuộc họp ngày 26/8 vừa qua, sự hạn chế tiếp cận đối với giới truyền thông làm nảy sinh những suy tính, đồn đoán. Điều này cũng phổ biến trên các diễn đàn của cư dân mạng.

Trước thềm cuộc họp, một số thông tin chính thống đề cập đến ba nội dung có thể sẽ được Ngân hàng Nhà nước giải đáp: thứ nhất là kế hoạch tái cấp vốn cho 10 ngân hàng nhỏ qua cách chưa từng có tiền lệ là “thế chấp” bằng vốn điều lệ với số vốn quanh 15.000 tỷ đồng có hay không; thứ hai là khả năng tăng dự trữ bắt buộc; thứ ba là việc giải phóng một lượng vốn lớn bị ứ đọng ở các chỗ thừa trong hệ thống (một số kênh đề cập ở con số khoảng 37.000 tỷ đồng) sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, các thông tin Ngân hàng Nhà nước đưa ra về cuộc họp đều không đề cập cụ thể đến các nội dung trên. Dễ hiểu, vì đây là cuộc họp quán triệt và triển khai, thay vì thảo luận và bàn tính.

Tại cuộc họp đó, giảm lãi suất cho vay tiếp tục là một trọng tâm. Ngay sau cuộc họp là chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm cơ chế và mức trần lãi suất huy động VND và USD hiện nay. Cũng từ đây, việc giảm lãi suất cho vay VND xem ra lại rất “dễ”.

Theo tinh thần của chỉ thị, trần lãi suất huy động VND sẽ nghiêm ở mức 14%/năm. Đi cùng với đó là thông điệp quyết liệt giám sát và chế tài xử lý mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Vấn đề còn lại là việc thực thi trên thực tế, sẽ nghiêm được bao lâu hay một thời gian sau lại “tái phát” tình trạng vượt trần?

Tại một hội nghị liên quan đến cơ chế chính sách mới đây, có quan điểm cho rằng nếu các quy định của chính sách tiền tệ không phù hợp với thực tế thì việc các ngân hàng thương mại “lách” cũng là dễ hiểu. Còn lúc này, cứ cho trần lãi suất 14%/năm sẽ nghiêm, việc giảm mạnh lãi suất cho vay chỉ còn là thời gian (ngoại trừ rủi ro điều chỉnh chính sách).

Trước thềm cuộc họp toàn ngành nói trên, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức họp báo về chương trình hạ lãi suất cho vay, và Tổng giám đốc Nguyễn Hưng nhận định rằng, nếu lãi suất huy động về 14%/năm thì việc hạ lãi vay về 17% – 19%/năm là thực tế.

Với đầu vào 14%/năm, đầu ra 17% – 19%/năm, ngân hàng có được một tỷ lệ lãi biên chấp nhận được, nếu không nói là tương đối cao so với bình quân những năm gần đây.

Ở một khía cạnh khác, nếu rút lãi suất huy động về tôn trọng trần 14%/năm và sống được, ngân hàng cũng sẽ dễ giảm lãi suất cho vay do hoạt động kinh doanh vốn sẽ lành mạnh hơn, tránh được rủi ro đạo đức và pháp lý vốn đeo bám trong gần nửa năm qua.

Nhưng cái khó lúc này là chi phí huy động trên 14%/năm thời gian qua không dễ giải quyết ngay trong tháng 9. Vậy nên ông Hưng cũng nhận định thêm, nếu cho vay khoảng 17% – 19%/năm, ngân hàng có thể phải chịu lỗ trong khoảng 3 tháng tới.

Liên quan đến cái khó này, sau bài viết “Giảm lãi suất: “Rừng mơ” sẽ đủ quả?”, người viết nhận được email của một bạn đọc là cán bộ của một ngân hàng thương mại “nhắn nhủ” rằng: “Anh nói giúp với ông bộ trưởng bộ canh nông, phụ trách rừng mơ, giúp tôi là cây mơ nhà tôi định trổ hoa và kết nhiều quả, nhưng lại chỉ định cho đậu số quả có hạn. Tôi vẫn phải thuê bằng ấy người bón phân, làm cỏ, thu hoạch mà số quả lại bị chỉ định có hạn.., vậy sao tôi bán giá rẻ cho được!”.

Cũng như tính toán đặt ra trước đây, tại nhiều nhà băng năm nay, khi lượng cho vay và tốc độ tăng trưởng bị giới hạn, thấp hơn tốc độ tăng quy mô vốn, tổng tài sản và yêu cầu tăng trưởng lợi nhuận, thì “chất” có thể phải tăng hoặc giữ ở mức cao để bù cho lượng. Lãi suất cho vay theo đó khó giảm mạnh. Từ khoảng 20% – 25% phổ biến thời gian qua về 17% – 19% là một bước giảm mạnh.

Trở lại với việc thực hiện cơ chế trần lãi suất, lo ngại lại được đặt ra là khi có chung giới hạn mức giá, khách hàng sẽ chọn ai? Những ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh với các ngân hàng lớn, như vậy liệu sẽ lại nảy sinh những mũi khoan ngầm gây bất ổn lãi suất thị trường, bởi nếu tôn trọng trần thì khó đảm bảo yêu cầu huy động vốn?

Trước câu hỏi này, một số quan điểm đưa ra định hướng gợi mở rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện giải pháp tái cấp vốn cho 10 ngân hàng nhỏ yếu về thanh khoản, quy mô cấp khoảng 10.000 – 15.000 tỷ đồng với cơ chế những ngân hàng đó phải thế chấp vốn điều lệ hoặc mở quyền cho Ngân hàng Nhà nước biến khoản cho vay thành vốn góp nếu không trả được nợ (?). Theo đó, nhà điều hành hạn chế được khả năng có xáo trộn từ “khu vực” này.

Cứ cho là vậy. Nhưng để thế chấp bằng vốn điều lệ hay mở quyền cho Ngân hàng Nhà nước trở thành cổ đông như vậy (trong trường hợp không trả được nợ), ngân hàng còn phải thông qua đại hội cổ đông, mà để tổ chức và có kết quả cũng cần vài tháng – trong khi giá trị của giải pháp là cần ngay cho lúc này, khi yêu cầu giảm lãi suất đang triển khai gấp rút, đó là chưa nói cổ đông có chấp nhận hay không.

Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lại lập luận rằng: “Đó là một điều kiện đảm bảo để vay vốn Ngân hàng Nhà nước thôi, chứ các ngân hàng hiện vay tiền tiết kiệm của người dân mà có gì đảm bảo đâu?” (ngoài bảo hiểm tiền gửi với mức chi trả có hạn nếu xẩy ra rủi ro – PV).

Tham vấn ý kiến của một chuyên gia khác, câu trả lời là gợi ý: “Theo tôi không nên bị hút vào các vấn đề kỹ thuật của giải pháp, mà cần tập trung vào mục đích của giải pháp. Ở đây cần trả lời các câu hỏi: Nếu làm như vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bịt các vết nứt trong hệ thống bằng cách cứ bao vốn như vậy đến bao giờ? Nếu đó là những hạn chế thì sao không nhân cơ hội này xử lý luôn? Trong quá khứ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng bỏ qua những cơ hội như vậy, đơn cử như việc không giữ được yêu cầu đảm bảo đủ vốn pháp định vào cuối năm 2010”.

Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra thông tin, quan điểm một cách chính thức và chi tiết về giải pháp chưa từng có tiền lệ đó. Còn theo những bình luận “đi trước”, qua cách làm này, nhà điều hành sẽ bình định những khả năng gây bất ổn, vì đại cục trước và tiến hành xử lý từng bước sau. Và trong trường hợp những ngân hàng yếu vay và không trả được nợ, Ngân hàng Nhà nước trở thành cổ đông lớn (theo phương án trên) thì cũng đồng nghĩa với cơ hội trực tiếp giám sát và điều hành để củng cố hoạt động ngân hàng đó.

Xa hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ từng bước thực hiện tái cơ cấu những trường hợp yếu kém, thậm chí mở cơ chế sáp nhập, cho phá sản. Nhưng đó là một con đường có lẽ còn xa, nhiều trở ngại và lâu này vẫn chủ yếu nằm trên giấy hay trong các nghị quyết, định hướng cho tương lai…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam