Giảm thuế thu nhập cá nhân: Tại sao không?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một nguồn thu tương đối lớn đã được dự toán từ số thuế TNCN bị treo và kéo theo đó rất nhiều công việc phải làm. Một câu hỏi đặt ra, liệu có giảm thuế suất thuế TNCN sau phương án hoãn?

Nan giải “treo thuế”

Ông Nguyễn Huy Trường, Trưởng ban Thuế TNCN, Tổng cục thuế cho biết, mục tiêu của việc giãn thuế TNCN là góp phần khuyến khích sản xuất – kinh doanh, đầu tư, giảm khó khăn cho người lao động theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ về các nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhằm mục tiêu kích cầu, hỗ trợ người dân có tiền tiêu dùng, nhưng việc giãn thuế TNCN chỉ là tạm thời, nên nhiều người chưa dám dùng số tiền này vào chi tiêu do lo lắng có thể bị truy thu thuế.

Theo Thông tư số 27/2009/TT-BTC hướng dẫn việc gia hạn nộp thuế TNCN, “số thuế được giãn nộp, cá nhân có thu nhập được giữ lại trong thời gian được giãn. Đến tháng 5/2009, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định việc xử lý số thuế được giãn nộp này, khi đó sẽ thực hiện theo quyết định của Quốc hội.”

Chưa biết Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án nào nhưng theo tìm hiểu, có thể có hai khả năng xảy ra.

Nếu đến thời điểm tháng 5/2009, nền kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân được cải thiện thì khả năng thu thuế TNCN tạm giãn từ tháng 1 đến tháng 5/2009 là rất lớn.

Khả năng thứ hai là nền kinh tế chưa hồi phục, đời sống người dân vẫn khó khăn và việc tiếp tục giãn hoặc miễn thuế TNCN sẽ được đặt ra. Việc giãn thuế làm phát sinh nhiều thủ tục và ảnh hưởng đến tâm lý người dân (ngại không dám tiêu dùng do lo lắng khả năng bị truy thu thuế).

Như vậy, còn có khả năng miễn thuế. Tuy nhiên, theo tính toán của ngành thuế, năm 2009 sắc thuế TNCN dự kiến sẽ huy động cho ngân sách 14.545 tỷ đồng. Nếu thực hiện việc miễn thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu, trong khi ngân sách phải chi khá nhiều cho kích cầu nền kinh tế.

Một giải pháp đang được không ít chuyên gia kinh tế đề xuất nhằm trung hòa giữa các giải pháp trên là giảm thuế TNCN. Điều này một mặt đảm bảo nguồn thu ngân sách không bị thất thu quá lớn, mặt khác vẫn thực hiện được mục tiêu kích cầu.

Giảm như thế nào?

Một số chuyên gia cho rằng, đối với thuế TNCN có 2 cách giảm.

Một là hạ mức thuế suất thuế TNCN, hai là tăng mức giảm trừ gia cảnh cho các cá nhân thuộc đối tượng chịu thuế. Việc giảm thuế suất ở một tỷ lệ nhất định sẽ giúp các cá nhân giảm chi phí tài chính và có cơ hội đầu tư trở lại hoặc tiêu dùng.

Ngoài cách hạ thuế suất, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng là cách giúp đối tượng nộp thuế giảm bớt nghĩa vụ tài chính. Với mức giảm trừ 4 triệu đồng cho bản thân đối tượng nộp thuế và 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc, trước đây (khi kinh tế chưa khó khăn) đã gây ra phản ứng là thấp so với thực tế phát sinh. Vì thế, thời điểm này nâng mức giảm trừ lên cũng là hợp lý với mục tiêu kích cầu.

Tuy nhiên, theo Luật thuế TNCN thì không phải đối tượng nộp thuế TNCN nào cũng được giảm trừ gia cảnh, nên cần kết hợp cả cách hạ thuế suất với từng đối tượng nợp thuế để đảm bảo sự công bằng,

Trao đổi với báo giới, bà Lê Hồng Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay ngành thuế chưa tính đến giải pháp này, bởi phương án như thế nào (miễn, giãn, giảm, gia hạn…) sẽ do Quốc hội quyết định trong kỳ họp vào tháng 5 tới đây.

Tuy nhiên, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng, lĩnh vực hoạt động vừa được áp dụng cũng tạo tiền lệ cho việc giảm thuế TNCN.

Theo Thanh Đoàn
Nguồn: Báo Đầu tư chứng khoán điện tử