Giật mình đi đòi thương hiệu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đi đòi thương hiệu

Ông Mạch Bội Cang, giám đốc Công ty TNHH sản xuất – Thương mại Cơ điện & Điện tử Hán Sinh (tạm gọi Công ty Hán Sinh), có trụ sở đóng tại phường 7, quận 5, TP.HCM có đơn gửi đến báo trình bày: “Việc làm tắc trách và vi phạm pháp luật doanh nghiệp của phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM đã giúp cho Công ty TNHH sản xuất Thương mại Cơ điện – Điện tử Hàn Sinh ra đời lừa dối các cơ quan chức năng và chiếm đoạt thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bao bì nhãn mác của chúng tôi.

Việc chiếm đoạt này đã gây thiệt hại cho chúng tôi hàng chục tỷ đồng”. Theo ông Cang: Về lý, về khoa học, về kiến thức sơ đẳng thì hai tên doanh nghiệp nêu trên (Hán Sinh và Hàn Sinh) khi dịch sang tiếng Anh và bỏ dấu tên riêng thì giống nhau 100%. Bởi hai tên chỉ khác nhau dấu sắc (/) và dấu huyền (). Ngoài ra, tên viết tắt trong giấy phép là: “Hanshin Co. Ltd” và “Hansin Co. Ltd” – đó là sự vô tình hay hữu ý, có phải sự khôn ngoan, tinh tế của một âm mưu không lành mạnh, nhằm đánh cắp thương hiệu…

Chúng tôi liên lạc với Ban giám đốc Công ty Hán Sinh thì ông Lâm – phó giám đốc trả lời: “Anh muốn viết bài thì cứ vào trang báo điện tử Thương hiệu Việt đọc, vụ việc công ty tôi là như thế”. Cụ thể, “năm 1995, Công ty Hán Sinh cho ra đời thêm nhãn hiệu có hình chữ HS nằm trong vòng tròn có hình tia sét – thương hiệu nổi tiếng trên thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận. Doanh thu của Hán Sinh tăng lên theo năm tháng sánh cùng các thương hiệu ngành ổn áp như: LIOA, ROBOT, AST…

Thế nhưng, từ năm 2008, trên thị trường xuất hiện một công ty có tên giống Công ty Hán Sinh đến 99,9%. Đó là Công ty Hàn Sinh. Hàn Sinh ngang nhiên sử dụng hai thương hiệu của Hán Sinh, chỉ khác một chi tiết nhỏ: HANSHIN thành HANSINCO – người tiêu dùng không thể nào phân biệt được, cả vỏ thùng và kiểu dáng ổn áp.

Nói về sự việc, con trai ông Cang là ông Mạch Triển Quyền cho rằng: Cách đây 18 năm, có người thợ từ miền Bắc vào xin học nghề, thông minh, chăm chỉ, chịu khó… Người này được chủ Hán Sinh thương yêu và giao hết quyền hành. Với chức vụ Phó giám đốc, mỗi năm Hán Sinh chia cho ông hàng tỷ đồng từ lợi nhuận – đó là ông Phạm Văn Tuyến (nay là Giám đốc Công ty Hàn Sinh). Năm 2008, ông Tuyến rời Hán Sinh và thành lập Công ty Hàn Sinh. Tài sản, trí tuệ của Hán Sinh xây dựng 20 năm bỗng chốc bị mất.

Việc đòi lại nhãn hiệu ấy không đơn giản, bởi Hán Sinh chỉ đăng ký ở Campuchia. Hỏi ra mới biết, việc đăng ký trước đây của Hán Sinh được giao cho ông Tuyến đăng ký nhãn hiệu qua đại diện là Doanh nghiệp dịch vụ Song Ngọc. Sau khi ra riêng, ông Tuyến mang các nhãn hiệu của Hán Sinh đến Song Ngọc đăng ký, dù đơn vị này biết nhãn hiệu của Hán Sinh nhưng vẫn làm thủ tục đăng ký cho Hàn Sinh.

Ai đúng?

Trước sự việc, Công ty Hàn Sinh đã có công văn gửi các cơ quan chức năng (những nơi mà Công ty Hán Sinh gửi đơn tố cáo, khiếu nại) để giải trình sự việc trên và cho rằng họ không hề đánh cắp nhãn hiệu Hanshin.

Điều mà Công ty Hàn Sinh bức xúc nhất là mặc dù sự việc chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, nhưng Công ty Hán Sinh đã dùng tài liệu trên fax và gửi đến tất cả các đại lý khách hàng của Công ty Hàn Sinh cho rằng nhãn hiệu này sẽ bị thu hồi vào tháng 8/2010, nhằm bôi nhọ, hạ uy tín, triệt tiêu đối thủ cạnh tranh.

Một số  khách hàng hoang mang, lo lắng và đã gửi đơn hàng trả lại. Chưa kể, Công ty Hán Sinh còn photo rồi phát tán bài viết “Thương hiệu Hanshin bị đánh cắp như thế nào?” đăng trên tạp chí Thương hiệu Việt đến các đại lý của Hàn Sinh.

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tuyến – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cơ điện và Ðiện tử Hàn Sinh cho rằng, năm 2008, ông là Phó giám đốc kinh doanh Công ty Hán Sinh, xin nghỉ ra lập Công ty Hàn Sinh để làm ăn riêng.

Khi chia tách công ty, ngày 6/10/2008, ông Cang, Giám đốc Công ty Hán Sinh và ông Tuyến, Giám đốc Công ty Hàn Sinh có ký hợp đồng cùng sở hữu nhãn hiệu Hanshin. Ngoài việc sở hữu nhãn hiệu Hanshin, ngày 20/8/2008 Công ty Hàn Sinh nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Hansico và hình lô gô (quả cầu lửa, có tia lửa sấm sét cắt ngang, có chữ HS chạy ngang) cho mặt hàng ổn áp, ổ cắm điện, tăng phô và ngày 1/10/2009 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận số 133980.

Kế đó, ngày 22/9/2008, Công ty Hàn Sinh tiếp tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Hansinco cho mặt hàng ổn áp, ổ cắm điện, tăng phô. Nhãn hiệu Hansinco được lấy lại từ cơ sở Hằng Sinh (do vợ ông Phạm Văn Tuyến lập) được sử dụng trên thương trường từ năm 2004. Đến ngày 10/2/2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu này. Từ đây, việc kinh doanh của Công ty Hàn Sinh và Hán Sinh vẫn xuôi chèo mát mái, vẫn đi đấu thầu làm ăn chung, không có chuyện gì xảy ra. Cuối năm 2008, cùng với Hanshin hai nhãn hiệu Hansico và Hansinco cùng tham gia Thương hiệu Việt hội nhập WTO trên tạp chí Thương hiệu Việt được trao giải.

Chưa rõ cậu chuyện đúng, sai giữa Công ty Hán Sinh và Công ty Hàn Sinh sẽ được các cơ quan chức năng kết luận như thế nào. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý và diễn biến của vụ việc cho thấy, Công ty Hàn Sinh cùng với Công ty Hán Sinh gần như đồng sở hữu nhãn hiệu Hanshin. Do vậy, Công ty Hàn Sinh cũng có quyền đi đăng ký để sử dụng nhãn hiệu trên. Cũng chưa thể nói Công ty Hàn Sinh đi ăn cắp nhãn hiệu Hanshin của Công ty Hán Sinh. Tuy nhiên, việc Công ty Hán Sinh đã dùng thủ đoạn “hạ bệ” đối thủ của mình là vi phạm pháp luật cạnh tranh. DN&PL

Cty Hàn Sinh có cơ hội đòi lại công bằng

Theo qui định của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, một dấu hiệu bị coi gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ nếu có một số đặc điểm trùng hoặc tương tự nhau đến mức rất khó phân biệt (cách phát âm, phiên âm, hình ảnh…). Với việc công ty Hán Sinh sở hữu nhãn hiệu HANSHIN từ năm 1995 và được cấp giấy chứng nhận bảo hộ, được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng internet, họ có nhiều cơ hội để yêu cầu công ty Hàn Sinh phải từ bỏ nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho Hàn Sinh.

Qua sự việc của công ty Hán Sinh, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp của cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam cần chú ý hơn nữa đến việc dùng pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

LS Nguyễn Văn Đức (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông)
Nguồn: Báo Doanh nhân và Pháp luật