Giám sát tài chính doanh nghiệp: Nói dễ làm khó
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty tăng cao. Trong đó sai phạm tài chính là một nội dung được đại biểu Quốc hội đặt ra với Tổng thanh tra Chính phủ trong phiên trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội cách đây không lâu.

Việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước, nhất là về tài chính, không hề dễ dàng. Ngay như Petrolimex lúc cổ phần hóa thì nói lãi, khi đòi tăng giá thì nói lỗ. Vì thế mà trong đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cũng đề xuất không ít biện pháp để tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước đối với doanh nghiệp về tài chính. Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong ngành, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đã trao đổi với NCĐT về vấn đề này.

Các doanh nghiệp nhà nước đang được cho là sử dụng vốn chưa hiệu quả, thậm chí có không ít sai phạm gây thất thoát, lãng phí vốn nhà nước. Phải chăng đó chủ yếu là các sai phạm tài chính?

Công bằng mà nói không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều như vậy. Nhưng đúng là các vấn đề yếu kém của khối doanh nghiệp này rất đáng báo động.

Những sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay là huy động vốn tràn lan, phát hành trái phiếu lớn, đầu tư vốn nhiều mà không hiệu quả, thiếu cân nhắc trong các quyết định đầu tư.

Họ cũng kém về quản lý giá thành, chi phí sản xuất, yếu về khả năng cạnh tranh cả trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong công nghiệp, thậm chí cả lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục. Phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp thì không công bằng. Hậu quả là hiệu quả kinh doanh thấp, thua lỗ, nợ xấu tăng cao, mất khả năng thanh toán.

Về kế toán tài chính doanh nghiệp, có nhiều đơn vị thiếu trung thực, chưa đảm bảo công khai minh bạch các tài liệu tài chính kế toán. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vấn đề công khai minh bạch. Đây là chìa khóa của mọi chìa khóa, vì có nó thì mới giúp hạn chế rủi ro.

Vậy nếu nói đến giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước thì giám sát những gì?

Trước hết phải giám sát 3 lĩnh vực: sử dụng vốn, giá thành và chi phí sản xuất. Từ đó kiểm soát kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vấn đề phân phối lợi nhuận, thu nhập, đảm bảo lợi ích cho người lao động và thực hiện các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Tất cả những điều đó phải thực hiện trên cơ sở là các số liệu kế toán, tài chính đều phải chính xác.

Như vậy, chúng ta phải giám sát tính chính xác của số liệu, đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các báo cáo về tài chính, kế toán thường kỳ.

Cơ chế hiện nay có nhiều tầng nấc giám sát như Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ. Vậy vì sao vẫn có nhiều sai phạm tài chính của doanh nghiệp?

Việc chúng ta thực hiện không tốt công tác giám sát chỉ là một trong những nguyên nhân. Ngay cả bản thân công tác giám sát còn nhiều điều cần khắc phục. Đầu tiên là tổ chức giám sát hiện có nhiều tầng nấc, nhưng trùng lắp, dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc. Cho nên, chúng ta cần một tổ chức chuyên trách về giám sát tài chính doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ nâng cấp Cục Tài chính Doanh nghiệp hiện nay thành Tổng cục Quản lý và Giám sát Tài chính Doanh nghiệp. Như thế, sẽ hy vọng việc giám sát tài chính được hiệu quả hơn.

Những công việc giám sát vừa rồi chủ yếu là hậu kiểm sau khi có biểu hiện vi phạm. Liệu vậy đã là đủ?

Tất nhiên là không. Chúng ta cần phải hoàn thiện cơ chế giám sát cả trước, trong và sau. Hiện nay, chúng ta vẫn coi nhẹ việc giám sát trước, kể cả ngay từ khi lập dự án, giám sát quá trình thực hiện dự án.

Chính phủ đã có Quyết định 224 tháng 10.2006 về giám sát doanh nghiệp nhà nước. Và vừa rồi Bộ Tài chính đã đưa ra đề án bổ sung hoàn thiện cơ chế giám sát doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nhưng có lẽ không nên dừng ở đó mà cần có quy chế giám sát tài chính đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Còn vai trò giám sát của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) thì như thế nào?

Cần lưu ý, SCIC là loại doanh nghiệp đặc biệt được Nhà nước giao đầu tư vốn vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước. Như vậy, SCIC chỉ là giám sát vốn với vai trò chủ sở hữu. Còn bản thân SCIC cũng chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Theo ông, điều quan trọng nhất trong vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là gì?

Khi nói tái cấu trúc, người ta thường nói đến hoạt động bề nổi như sáp nhập, giải thể, thành lập tổ chức mới như hình thành một công ty mua bán nợ quốc gia hay cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng quan trọng nhất vẫn là hoàn thiện thể chế, các chính sách, chế độ, hành lang pháp lý để cho doanh nghiệp hoạt động. Điều quan trọng thứ hai là đào tạo con người, đào tạo người đứng đầu, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có phẩm chất đạo đức. Đây không phải là chuyện đơn giản.

Khi nói về các sai phạm của doanh nghiệp nhà nước, liệu có phải chúng ta đã trao quyền cho họ quá nhiều?

Vấn đề không phải là chúng ta trao quá nhiều quyền, mà là trao quyền gì. Chúng ta có thời kỳ can thiệp khá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, nhưng nay đã trao toàn quyền cho họ, nên doanh nghiệp mới phát triển được.

Tuy nhiên, cũng có những việc chúng ta đã buông lỏng quản lý dẫn đến xảy ra nhiều sai phạm. Ví dụ chúng ta đã buông lỏng để doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc công khai minh bạch hay không làm đúng các quy trình trong hoạt động kinh doanh. Hoặc có chuyện chạy cửa sau, đi tắt để xử lý công việc, từ các dự án lớn đến những vấn đề liên quan đến nhân sự. Những sai phạm đó thì có thể doanh nghiệp là người sử dụng các kẽ hở trong pháp luật

Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư