Giãn thuế đem lại hiệu quả ‘kép’
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chính phủ đã đồng ý gia hạn nộp thuế TNDN cho các SME. “Hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng, thậm chí không ít doanh nghiệp đang ăn dần vào vốn. Vì vậy, cần phải sử dụng đồng bộ ngay những giải pháp tài chính như đã từng thực hiện năm 2008-2009 để cứu giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là SME”, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Đặng Văn Xướng đề nghị và cho rằng, việc giãn thuế TNDN hay miễn, giảm thuế (nếu có) không nên thực hiện đại trà, mà cần phải có chọn lọc để tránh tình trạng lợi dụng như đã từng xảy ra.

Đồng tình với việc giãn thuế TNDN năm 2011 cho SME, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương, ông Mai Hữu Tín cho rằng, cũng như thời kỳ năm 2009 và quý IV/2008, đây là thời kỳ SME cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của Chính phủ, để duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh, bởi trên thực tế, hiện có không ít doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng vì rất nhiều lý do, như thiếu vốn, không dám vay vốn vì lãi suất cao, thị trường trong và ngoài nước giảm sút…

“Ngay cả những doanh nghiệp có đơn đặt hàng cũng không dám hoạt động hết công suất vì tình trạng thiếu điện. Nếu Chính phủ gia hạn thời gian nộp thuế, SME có thêm nguồn lực để mua máy phát điện nhằm tự chủ về nguồn điện, bảo đảm sản xuất, giữ việc làm cho người lao động”, ông Tín phát biểu.

Đây là lần thứ 2, Chính phủ quyết định giãn thời gian nộp thuế TNDN cho SME. Theo nhận định của ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, chính sách miễn, giảm, hoàn và giãn thuế đã đạt được hiệu quả kép. Một mặt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng được sản xuất – kinh doanh, qua đó tác động tích cực trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Mặt khác, chính sách “khoan sức dân” này không những không giảm thu ngân sách mà còn tăng thu đáng kể. Cụ thể, năm 2009, thu ngân sách đạt 442.340 tỷ đồng, tăng 52.440 tỷ đồng so với dự toán. “Việc giãn thời gian nộp thuế TNDN là chính sách được doanh nghiệp đánh giá rất cao vì đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm gánh nặng về vốn cho doanh nghiệp, qua đó giúp họ giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh…”, ông Huệ đánh giá.

Theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng dưới 100 lao động hoặc có tổng nguồn vốn dưới 50 tỷ đồng được coi là doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa. Căn cứ theo tiêu chí này, thì nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng nguồn vốn lên đến 200-300 tỷ đồng, không gặp khó khăn trong kinh doanh vẫn được gia hạn thời gian nộp thuế TNDN do đáp ứng được tiêu chí về lao động.

“để tránh phải ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn, xử lý, giải thích như lần giảm thuế TNDN trước đây, Bộ Tài chính cần đưa ra các tiêu chí cụ thể hơn để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích. Đơn cử, trong lĩnh vực dịch vụ, cần quy định rõ doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận từ bao nhiêu trở lên sẽ không được giãn thuế”, ông Huệ đề xuất.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử