Giãn thuế TNDN: Có “thuốc bổ”, cần thêm thuốc “đặc trị”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hỗ trợ nhỏ

Sau khi Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho giãn thuế TNDN một năm đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hôm 31-3, đến nay Bộ Tài chính chưa chính thức ban hành thông tư hướng dẫn về việc này. Cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho báo giới biết rằng, số thuế được gia hạn là thuế TNDN tạm tính hàng quí và số thuế quyết toán cả năm 2011, bao gồm cả số thuế TNDN năm 2010 chuyển sang. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói sau phiên họp Chính phủ hôm 31-3 rằng, thông qua việc này, ngân sách nhà nước sẽ giảm ước chừng 7.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, duy trì sản xuất.

Theo dự tính của Bộ Tài chính, cụ thể số thuế tạm nộp quí 1 năm nay được gia hạn chậm nhất đến hết tháng 4-2012. Số thuế quí 2 được gia hạn nộp chậm nhất đến hết tháng 7-2012, quí 3 được lùi đến hết tháng 10-2012 và quí 4 được lùi đến hết quí 1-2013.

Bộ Tài chính ước tính cả nước có khoảng 360.000 doanh nghiệp SME, nhưng sẽ chỉ có khoảng 200.000 doanh nghiệp được giãn thuế. Những doanh nghiệp được giãn thuế không bao gồm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, doanh nghiệp được xếp hạng một hoặc hạng đặc biệt thuộc các tập đoàn kinh tế; hoặc doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thuộc diện hàng tiêu dùng không thiết yếu. Dự kiến cụ thể hơn của Bộ Tài chính còn cho thấy kể cả các doanh nghiệp SME kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng có lĩnh vực kinh doanh nêu trên thì phần kinh doanh đó không thuộc diện được giãn thuế.

Năm 2009, Chính phủ đã từng có đợt miễn, giảm, giãn thuế một năm cho doanh nghiệp SME, doanh nghiệp xuất khẩu với tổng mức thuế giảm (30%) và giãn vào khoảng 9.900 tỉ đồng… để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Như vậy, số thuế được giãn năm nay khoảng 7.000 tỉ cho doanh nghiệp SME xem ra có vẻ khá cao so với năm 2009. Nhưng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp SME Cao Sỹ Kiêm nói rằng: “Giãn thuế chỉ là một động tác nhỏ của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bù đắp một phần chi phí. Đây chưa phải là động thái có tính quyết định để hỗ trợ doanh nghiệp chống suy giảm sản xuất”.

Ông Kiêm tính rằng, 7.000 tỉ đồng giãn thuế ước tính chỉ bằng 1/10 so với tổng số thuế TNDN (khoảng 70.000- 80.000 tỉ đồng) mà cộng đồng doanh nghiệp SME nộp về ngân sách hàng năm. Hơn nữa, lại chỉ là lùi thời hạn nộp thuế chứ không phải giảm và nhắm đến một số đối tượng doanh nghiệp có tiêu chí rõ ràng nên cũng chỉ có tác dụng nhất định, như bổ sung thêm vốn lưu động cho khối doanh nghiệp này hoặc tác dụng xa hơn (có thể), nhờ có thêm vốn, khả năng hạ một phần lãi suất vay vốn rất cao mà các doanh nghiệp SME đang phải chịu đựng (hiện lên đến mức 20%/năm)

Hạ lãi suất và chống chuyển giá

“Chỉ một động tác giãn thuế là chưa đủ”, theo ông Kiêm nhận định. Hai phương án được người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp SME cho là căn cơ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp là phải có các biện pháp hạ lãi suất cho vay vốn và tháo một số “nút thắt” trực tiếp trong Nghị định 124/2008 về thuế TNDN đang gây khó cho hoạt động doanh nghiệp.

Kết quả “Cuộc khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam quí 1-2011” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp công bố cho thấy 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng yếu tố ảnh hưởng nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh là chi phí đầu vào tăng lên làm cho giá thành trên một đơn vị sản phẩm cũng tăng theo. Gần một nửa trong số doanh nghiệp này không thể tăng giá bán và gần một nửa khác buộc phải tăng giá bán. Kể cả khi có thể tăng giá bán thì những tác động của việc tăng giá đầu vào, hay tăng chi phí vay vốn… khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm đáng kể và việc nộp thuế TNDN chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo.

Tại một cuộc hội thảo về thuế giá trị gia tăng và thuế TNDN hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, luật sư Đào Ngọc Chuyền, Trưởng văn phòng Luật sư Đào và Đồng nghiệp, đã đưa ra những nhận định khá tương đồng với nhận định của ông Kiêm. Theo ông Chuyền, Chính phủ nên giảm thuế TNDN từ mức 25% xuống 20% để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước mắt, nếu chưa thực hiện được, Chính phủ nên có biện pháp giải quyết tình trạng “chuyển giá”, đặc biệt ở khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước.

Nghị định 124 của Chính phủ hiện hành chưa giải quyết được lỗ hổng chuyển giá mà khối doanh nghiệp này đang lợi dụng. Thay vì nộp thuế ở Việt Nam, họ dùng các biện pháp chuyển giá để nộp tại các quốc gia khác để tận dụng mức thuế thấp hoặc ưu đãi thuế, dẫn đến thất thu ngân sách cho Việt Nam. Mới đây, Bộ Tài chính đã lập danh sách hơn 100 doanh nghiệp (phần lớn trong đó là các doanh nghiệp FDI) có hiện tượng thua lỗ kéo dài nhưng tiếp tục mở rộng đầu tư, sản x uất để thanh tra trong năm 2011 xem có hiện tượng “chuyển giá” hay không, dù phối hợp xác định mức độ chuyển giá qua đối chiếu với quốc gia mà doanh nghiệp nộp thuế TNDN hiện nay là khó.

Nhiều doanh nghiệp được Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) mới đây hỏi về vướng mắc thuế TNDN cũng cho rằng, vấn đề hàng đầu của loại thuế này không phải là thời gian thu thuế hay phần trăm nộp thuế mà hiện chưa có các quy định cụ thể để xác định định mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến sự không rõ ràng, minh bạch giữa doanh nghiệp kê khai thuế và cơ quan thuế. Bên cạnh đó, các quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế lại rải rác ở nhiều văn bản khác nhau của ngành thuế. Nên, muốn giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, thuận lợi thì phải rà soát nhiều lỗ hổng của thuế TNDN, ngoài chuyện giãn thuế.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online