Giúp doanh nghiệp vượt rào cản thương mại và kỹ thuật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ nhập siêu năm nay ở mức thấp là do xuất khẩu một số mặt hàng tăng mạnh, nhập nguyên liệu giảm. Đây là điều đáng mừng, nhưng thực chất nhập siêu chưa giải quyết tận gốc vấn đề cho dù năm 2010 đã kết thúc. Để tiếp tục kéo mức nhập siêu xuống thấp hơn trong những năm tiếp theo, rất cần các giải pháp đồng bộ của Nhà nước, như: xây dựng các vùng nguyên liệu cho các ngành xuất khẩu chính, giảm nhập khẩu nguyên liệu, nhất là từ thị trường Trung Quốc – thị trường mà chúng ta vẫn phụ thuộc 80% nguồn nguyên liệu. Đồng thời, tăng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, tránh tình trạng tăng về lượng nhưng giảm về giá hàng xuất khẩu. Xây dựng một ngành công nghiệp phụ trợ vững chắc. 

Năm qua, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng thành công. Tuy nhiên, trong hoạt động này với việc cần khắc phục tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua trung gian. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết  năm 2011 sẽ tiếp tục mở thêm các trung tâm xúc tiến ở các thị trường mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường nước ngoài bằng các hội chợ, triển lãm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, quảng bá thương hiệu để góp phần tăng trưởng xuất khẩu. Vấn đề là cần tìm ra những mặt hàng mới để hỗ trợ xuất khẩu.

Một thách thức cần lưu ý trong năm nay và các năm tiếp theo là các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục phải đối mặt với các vụ kiện, tranh chấp thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá sẽ ngày càng tăng. Mặt hàng giày mũ da bị áp thuế chống bán phá giá lên đến 10% của UB châu Âu; rào cản đối với cá tra khi bị đưa vào sách đỏ là những vụ việc cũng đáng chú ý trong năm qua, cần sự vào cuộc quyết liệt từ các bộ, các ngành đã góp phần khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp và người nuôi cá. Bên cạnh các rào cản về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, trợ cấp xuất khẩu với các sản phẩm công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hay dư lượng kháng sinh với hàng nông sản, thủy sản… những quy định về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn môi trường cũng sẽ ngày càng nhiều và khó khăn hơn đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động vượt qua các rào cản kiểu này. 

Xuất khẩu khi dự kiến sẽ cán mốc 71 tỷ USD trong năm 2010 có sự đóng góp rất lớn của các ngành,  các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng. Về lâu dài, để có những bước tăng trưởng xuất khẩu mạnh và hạn chế nhập siêu thì cần giải quyết tốt việc quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu để đạt được giá cao. Các bộ, các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp chủ động vượt qua các rào cản thương mại và kỹ thuật của thị trường nước ngoài.

Xuân Lan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân