Giúp người dân tiếp cận pháp luật và công lý thuận lợi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chính sách mới khó được thực thi ở cơ sở

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Đề tài cấp Nhà nước về: “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.

Đề tài này được Chính phủ giao Bộ Tư pháp triển khai với nhiệm vụ mới là giúp Chính phủ theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; được thực hiện song hành với việc Bộ Tư pháp phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tập trung bước đầu vào một số lĩnh vực được xem là “nóng” và vướng mắc trong thi hành pháp luật, như đất đai, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… tại một số tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng 10 năm tới phải có bước chuyển đổi về chất: từ phát triển theo chiều rộng – với việc xây dựng đủ các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, an ninh quốc phòng… sang phát triển chiều sâu – với việc tập trung nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật….

Để luật đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền làm chủ cũng như ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân, các cơ quan Nhà nước phải tự đổi mới mình theo hướng thực hành một Chính phủ mở rộng nền hành chính phục vụ, tạo điều kiện hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật và công lý một cách thuận lợi để họ thực thi quyền của mình. Qua đó, giúp họ biết sử dụng công cụ pháp luật để tổ chức làm ăn một cách an toàn, hiệu quả, để phòng tránh, xử lý rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh, lập nghiệp cũng như đời sống, xã hội. 

Nói về hiệu quả thi hành pháp luật về đất đai của cơ quan Nhà nước, GS Đặng Hùng Võ cho rằng: Pháp luật hiện hành quy định người chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cần thực hiện 3 thủ tục hành chính tại công chứng, cơ quan thuế và phòng đăng ký quyền sử dụng đất; thời gian thực hiện là 5 ngày làm việc; tổng chi phí khoảng 2,7% giá trị đất đai chuyển nhượng. Quy định như vậy cũng khá tiến bộ dù vẫn còn phức tạp hơn so với tình trạng lý tưởng.

Điều đáng nói là thực tế còn một khoảng cách khá xa so với quy định của pháp luật. Cụ thể, thủ tục thường bị kéo dài ở khâu đăng ký và các bên chuyển nhượng thường phải sử dụng “cò giấy tờ” với một khoản phí cao, thấp tùy từng nơi. Theo ý kiến của tất cả các địa phương cấp xã và huyện mà GS. Đặng Hùng Võ đã phỏng vấn cho thấy, một Nghị định mới của Chính phủ phải mất một năm mới đi được từ Trung ương tới cấp xã. Nếu việc sửa đổi Nghị định mỗi năm một lần thì coi như chính sách mới luôn không được thực thi ở cấp cơ sở.

Số phận pháp lý đã được định trước

Về hiệu quả của thi hành pháp luật, GS.TS Trần Ngọc Đường cho đó là một đại lượng so sánh thể hiện kết quả và chất lượng của việc thực hiện các quy định pháp luật trên thực tế so với mục tiêu, yêu cầu mong muốn đạt được khi ban hành pháp luật, có tính đến những chi phí thực tế để đạt được kết quả khi thi hành pháp luật. TS. Dương Thanh Mai trích dẫn quan điểm của TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, trong Nhà nước pháp quyền, các cơ quan Nhà nước phải tuyệt đối tranh thủ các quy định pháp luật, việc thực thi quyền lực của Nhà nước phải được giám sát chặt chẽ với cơ chế kiểm soát và đối trọng để hạn chế tình trạng lạm quyền trong thực thi quyền lực.

TS.LS Phan Trung Hoài thì quan tâm đến thực tiễn thi hành pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, khi cho rằng: Thực tế, việc khởi tố, tiến hành điều tra và đề nghị truy tố vẫn thuộc quyền chủ động của cơ quan điều tra, vai trò của VKSND có phần thụ động. TAND thay vì đóng vai trò là trọng tài khách quan, lại đang trở thành một chủ thể buộc tội.

Ngoài ra, tình trạng oan sai trong tố tụng, việc vận dụng tùy tiện cơ chế kéo dài thời hạn tạm giam (có trường hợp gia hạn tạm giam kéo dài tù 3 – 5 năm), trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần… khiến cho quyền con người trong tố tụng hình sự bị xâm phạm – LS Hoài nêu.

Theo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp: Báo cáo của một số tỉnh, thành phố cho biết hoạt động kiểm tra tình hình thi hành pháp luật chồng chéo với hoạt động quản lý Nhà nước của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành và có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Hiện nay, nhiều địa phương hầu như không thực hiện các cách thức được quy định tại Thông tư 03/2010/TT-BTP  mà chủ yếu thực hiện kết hợp với các hoạt động khác để đánh giá tình hình thi hành pháp luật.

Phong Trần
Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tư pháp