Giày dép xuất khẩu:Thêm nhiều áp lực từ EU
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gánh nặng thuế

Trong khi thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da vào EU đang là một gánh nặng thì các doanh nghiệp (DN) sản xuất giày dép Việt Nam lại tiếp tục chịu thêm gánh nặng mới.

Kể từ ngày 1/1/2009, các nước EU bãi bỏ ưu đãi thuế quan (GSP) đối với sản phẩm của Việt Nam khi vào thị trường này.

Theo bà Nguyễn Thị Tòng- Phó chủ tịch Hiệp hội Da- giày Việt Nam (Lefaso), khi EU bãi bỏ GSP, thuế suất sẽ từ 4,5% lên 8% đối với giày mũ da; từ 7,5-8% lên 11,5% đối với giày giả da và từ 11,5% lên 17% đối với giày vải.

Điều này cũng đồng nghĩa các DN Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm đơn hàng, bảo đảm công việc, thu nhập cho người lao động cũng như duy trì lợi nhuận. Chỉ tính sơ bộ, với kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD vào EU mỗi năm, các DN sản xuất, xuất khẩu giày dép Việt Nam sẽ thiệt hại một khoản không nhỏ.

Bà Đinh Thư Ngân Tuyền- Phó Giám đốc Cty Nhị Hiệp (TPHCM) lo lắng: Mặc dù còn quá sớm để tính toán với kim ngạch xuất khẩu giày dép gần 4 triệu USD/năm vào EU thì Nhị Hiệp sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào khi thuế suất nâng lên.

Song, điều nắm chắc là với mức thuế mới, cộng với chi phí đầu vào tăng cao, các DN buộc phải tính toán lại toàn bộ chi phí đầu vào cho phù hợp. Tuy nhiên, do toàn bộ làm gia công cho nước ngoài, tức hoàn toàn bị phụ thuộc khách hàng nên bản thân DN rất khó có thể quyết định việc điều chỉnh giá gia công.

Mức giá gia công hiện rất thấp, chỉ 1,1 USD/đôi, nếu giữ nguyên e sẽ khó đảm bảo đủ chi phí đầu vào, nhưng tăng lên thì liệu có giữ được chân khách hàng? Đây cũng là khó khăn, lo lắng chung của các DN sản xuất da giày Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Cũng theo bà Tòng, việc dỡ bỏ GSP sẽ được áp dụng từ 2009 đến 2011 và sau đó sẽ được Ủy ban châu Âu (EC) xem xét và việc có tiếp tục áp dụng lệnh dỡ bỏ GSP nữa hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.  

Tự cứu mình

Trong tháng 1/2009, đoàn chuyên gia đến từ EC sẽ bắt đầu điều tra thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam. ông Bùi Sơn Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, đây là lần rà soát cuối cùng để xem xét việc có dỡ bỏ lệnh chống bán phá giá hay không.

Ông Bùi Sơn Dũng- Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh: Nếu DN chứng minh mình hoạt động trong điều kiện nền kinh tế thị trường thì sẽ được miễn áp thuế chống bán phá giá như một DN tại Trung Quốc đã làm thành công. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa có DN làm điều này, các DN mới chỉ tình nguyện được EC điều tra để làm sáng tỏ việc mình không bán phá giá.   

Theo kế hoạch, EC sẽ đưa ra  quyết định cuối cùng vào giữa năm 2009.

Từ nay đến khi có quyết định cuối cùng, các DN Việt Nam xuất khẩu giày mũ da vào EU vẫn phải chịu thuế suất chống bán phá giá như hiện nay.

Có 3 DN được lựa chọn để điều tra trong đợt này.

“Những DN được lựa chọn điều tra là đại diện cho cả ngành sản xuất giày dép Việt Nam chứ không phải là DN “có vấn đề” trong làm ăn”- bà Tòng xác định. Vì vậy, bà Tòng cho rằng, 3 DN này có sứ mạng cứu cả ngành sản xuất giày dép Việt Nam thoát khỏi “án” oan bán phá giá nên phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu và hết sức hợp tác với đoàn thanh tra của EC.

Theo bà Phan Thị Diệu Hà- Phó vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công Thương), các DN Việt Nam thường có nhiều sơ suất trong việc kê khai xuất nhập khẩu. Đối với xuất khẩu thành phẩm, việc phân loại mã số hàng hóa (SH) rất đại khái hoặc thiếu chính xác.

Các DN thường chỉ khai mã hàng hóa ở cấp 4 chữ số, trong khi thông lệ của EU tối thiểu là 8 chữ số; hoặc chỉ ghi chung chung loại sản phẩm như “giày thể thao” thậm chí chỉ duy nhất một chữ “giày”.

Các DN cũng chỉ kê khai giá nhân công, không ghi giá FOB của hàng hóa; kê khai giá xuất khẩu (FOB) theo thông báo của bên thứ ba mà không quan tâm đến cơ cấu giá thành xuất khẩu, không kê khai đầy đủ tên, địa chỉ của người ký hợp đồng và người nhận hàng tại cảng đến (nhà nhập khẩu).

Đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu để gia công thì chỉ ghi giá mang tính tượng trưng, không sát với giá thực tế… Kết quả là DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối chiếu, nhất là việc xác định các chi phí tạo nên giá thành-yếu tố quan trọng để chứng minh không bán phá giá.

“DN ghi càng cụ thể, chính xác và đúng với thông lệ quốc tế càng tốt và đó là giải pháp hữu hiệu để tránh rơi vào cáo buộc bán phá giá”- bà Tòng lưu ý, đồng thời khẳng định: đó là cách tốt nhất để DN tự cứu mình.

Nguồn: Báo Tiền phong điện tử