Gánh nặng lớn nhất kéo tăng trưởng xuống
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%), Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra. Mặc dù, đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi theo tính toán, để đạt mức tăng trưởng cả năm 6,7%, thì trong các quý còn lại phải tăng trung bình 7%.

Không thể cất cánh nếu GDP không tăng liên tục trên 6%

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Xuân Thành, GDP trong vai trò là thước đo tăng trưởng kinh tế (thậm chí còn được dùng là thước đo phát triển kinh tế) có nhiều khiếm khuyết, nhưng trong khi các nhà nghiên cứu chưa đi đến được một thước đo tốt hơn thì GDP vẫn phải được dùng.

“Từ khoảng 1960 đến nay, không có nước nào thoát nghèo, đi lên thu nhập trung bình rồi thu nhập cao mà không tăng trưởng GDP từ 6%/năm trở lên liên tục trong thời gian dài. Tăng trưởng nhanh trong dài hạn là câu trả lời cho sự khác biệt giữa các nước đã giàu lên và những nước ở mức nghèo hay trung bình thấp”, TS. Nguyễn Xuân Thành phân tích.

Theo chuyên gia này, nếu chấp nhận tăng trưởng GDP thấp (đối với Việt Nam là dưới 6%/năm) thì sẽ tiếp tục tụt hậu. Tuy nhiên, vấn đề không phải là không cần tập trung vào tăng trưởng GDP nhanh, mà là cách làm để đạt tăng trưởng GDP nhanh. “Tăng trưởng thấp là kết quả của sự kém hiệu quả trong sử dụng nguồn lực trực tiếp và gián tiếp”, ông Thành nhận định.

Vị chuyên gia đề xuất, để cải thiện tăng trưởng trong ngắn và trung hạn phải xử lý các vấn đề nợ xấu, cải thiện đầu tư công và đầu tư doanh nghiệp nhà nước; còn trong dài hạn là cải thiện chất lượng thể chế để tăng năng suất.

Đặc biệt, TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống, vì nợ xấu “vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để nuôi”.

Quan điểm này khá tương đồng với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, mặc dù ngành ngân hàng đã rất tích cực huy động vốn để bảo đảm đáp ứng cho nền kinh tế, song một phần lớn nguồn lực vẫn còn chưa được khơi thông, đang nằm ở các khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm chưa được xử lý.

Để giải quyết vấn đề trên, hiện Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Tái cơ cấu vẫn là cái gốc

Ngày 22/5, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.

Thủ tướng yêu cầu các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, theo lĩnh vực công tác được phân công, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên giao ban, cập nhật tình hình và chủ động có giải pháp phù hợp, phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo cụ thể những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đồng thời phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Giải thích rõ hơn mục tiêu của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích, tăng trưởng GDP năm 2016 chỉ đạt 6,21%, nên nếu năm nay không đạt tăng trưởng cao hơn thì mục tiêu đặt ra trong 5 năm sẽ rất khó đạt.

“Cần phải nhìn nhận thận trọng, hiện tại nếu so với các nước trong khu vực và quốc tế, Việt Nam đã thua kém, nếu không tăng tốc phát triển nhanh hơn thì sẽ tụt hậu. Tuy nhiên, tôi lưu ý là muốn phát triển nhanh cũng phải ổn định để phát triển. Đối với Việt Nam, việc tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa như tạo việc làm cho xã hội, có nguồn lực chi tiêu ngân sách an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị-xã hội”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tái cơ cấu nền kinh tế là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, đó mới là gốc vấn đề. Thực tế cùng với nỗ lực tăng trưởng, Chính phủ vẫn đang nỗ lực thực hiện chủ trương chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải chỉ chạy theo con số tăng trưởng. Chính phủ đã có chương trình hành động, các nghị quyết đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.

Làm rõ hơn về các cơ sở để Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng cho biết tình hình quốc tế gần đây có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Các yếu tố dự báo tình hình kinh tế thế giới trong ngắn hạn tốt, có tác động đến kinh tế Việt Nam bởi nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Tình hình trong nước không còn khó khăn như năm ngoái như dịch bệnh, xâm nhập mặn, lũ lụt… Cùng với đó, nông nghiệp phục hồi tốt kèm theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ.

Thêm vào đó, các dòng đầu tư gồm cả đầu tư nước ngoài, trong nước tăng tốt, thu ngân sách các địa phương, xuất khẩu tăng trưởng khả quan, du lịch phát triển. Còn về công nghiệp, các ngành chế biến, chế tạo có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt. Đó là những cơ sở thuận lợi để đạt được mục tiêu đề ra, dù cũng không dễ dàng và cần có giải pháp đồng bộ.

Thành Đạt

http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Ganh-nang-lon-nhat-keo-tang-truong-xuong/307431.vgp