Gánh nặng tăng giá ‘oằn lưng’ doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đề án điều chỉnh giá điện năm 2011 do Bộ Công Thương xây dựng vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Giá điện tăng như “dầu đổ thêm dầu” vào việc tăng chi phí đầu vào của các DN sản xuất trong bối cảnh các biến động về giá cả nguyên vật liệu trên thế giới theo xu hướng tăng cao, cùng với việc điều chỉnh tỷ giá USD của Ngân hàng nhà nước vừa qua.

Tác động kép

Ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Cty CP đầu tư và phát triển công nghệ Niềm Tin Việt (Vietrust JSC) cho rằng, đối với các  doanh nghiệp sản xuất mà nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nguyên liệu nhập khẩu (trực tiếp hoặc gián tiếp) nói chung và Vietrust JSC nói riêng thì chi phí  đầu vào bị tăng “kép” : giá nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá  USD/VND tăng. Ông Sơn tính toán, bình quân mức tăng chi phí đầu vào của  sản phẩm TONMAT tăng  trên 10% , tính từ đầu 2011 đến nay. Nếu xét yếu tố nguyên liệu đầu vào của sản phẩm TONMAT chiếm  gần 90% giá thành thì mức tăng chi phí nói trên  “ngốn”  gần hết  lợi nhuận của doanh nghiêp.

Ông Sơn cho rằng, cứ cho rằng việc điều chỉnh giá điện và giá xăng  là cần thiết, tuy nhiên việc tăng giá phải tính đến việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bởi điện và xăng dầu  là nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành kinh tế. Các mặt hàng do các doanh nghiệp VN sản xuất chịu chi phí đầu vào  tăng cao đột biến  trong khi sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước lại chưa  cao. Đối với Vietrust JSC, do tiêu thụ điện  trong sản xuất không nhiều (khoảng 100 triệu / tháng , nay tăng lên khoảng 120 triệu / tháng) nên chi phí giá điện cho sản phẩm TONMAT tăng không nhiều , xong  giá điện cao sẽ làm  vật tư đầu vào mà TONMAT sử dụng (tôn cuộn sản xuất tại VN) cũng tăng  cao. Mặc dù các sản phẩm tôn đã tăng 10% từ đầu năm đến nay  nhưng chúng tôi đã được các nhà cung ứng thông báo sẽ tiếp tục tăng giá tôn từ 4-6% từ  đầu tháng 3/2011. Và như vậy giá điện tăng cao lại tiếp tục làm tăng chi phí “kép”  cho Vietrust JSC trong thời gian tới.

Ông Sơn khẳng định, trong tình hình “bão giá” và lạm phát tăng cao, lại tiếp tục bị “cú đánh” về giá điện và giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp VN nói chung và Vietrust JSC nói riêng  sẽ phải đối mặt với những khó khăn – dự kiến còn lớn hơn  trong những năm khủng khoảng và giảm phát (2008-2010).

Còn ông Nguyễn Văn Tấn – Giám đốc Cty thương mại và chế biến thực phẩm Thông Tấn chia sẻ, giá điện tăng tưởng chừng không mấy ảnh hưởng đến nông dân – những hộ tiêu thụ điện ít nhất, nhưng lại tác động rất lớn tới đầu vào của nhà nông khi giá điện tác động đến giá thành phân bón, thủy lợi… Từ đó tác động đến giá nông sản, và những DN chế biến thực phẩm của ông đương nhiên bị tăng giá đầu vào.

Đối phó cũng khó lại

Đại diện một số DN đã lên kế hoạch chuyển một số khâu sản xuất qua ban đêm, tức chạy vào giờ thấp điểm để giảm tiền sử dụng điện. Ông Hồ Văn Hải – Tổng giám đốc công ty rượu Hà Nội (Halico) cho biết, bên cạnh phương án tiết kiệm điện giờ cao điểm, Halico sẽ chuyển nhà máy sản xuất tại Yên Phong (Bắc Ninh) từ chạy dầu sang chạy than để tiết giảm thêm khoảng 4% chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, bài toán “giờ thấp điểm” theo các DN cũng không đơn giản, vì xáo trộn quy trình sản xuất và nhân công. Mặt khác, việc tận dụng giờ thấp điểm chỉ thuận lợi đối với đơn vị sản xuất nhỏ, còn với doanh nghiệp có vài ngàn đến cả chục ngàn công nhân thì rất khó.

Theo các chuyên gia, do điện là yếu tố đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất trong nền kinh tế nên những tác động của việc tăng giá điện là không hề nhỏ. Năm 2010, Chính phủ đã phải điều chỉnh mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng có một phần nguyên nhân do tăng giá điện, kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá. Do đó, với việc tăng giá điện lần này, lo ngại lớn nhất vẫn là tình trạng “té nước theo mưa” của nhiều hàng hóa trong nền kinh tế, đặc biệt là đối với những mặt hàng khi sản xuất tiêu thụ điện lớn như sắt, thép, xi măng, vận tải… Bên cạnh đó, còn nỗi lo “thường trực” và “cố hữu” nhất của DN bấy lâu là nỗi lo “bị cắt điện” thời gian tới sẽ “đối phó” cách nào?

Lê Hà – Phương Thảo
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp