Gỡ khó khăn vốn cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự báo ảm đạm

Dẫn các số liệu dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Citigroup, Fitch và Goldman Sachs, TS Nguyễn Minh Phong của Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, mức dự báo cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 cao nhất chỉ ở mức 4%. Và dù khác nhau về chi tiết hay con số cụ thể, tinh thần chung của các dự báo trên đây đều thống nhất cho rằng kinh tế thế giới và của nhiều nước năm 2012 sẽ tiêu cực hơn năm 2011. Ngay thời gian vừa qua, theo TS Phong, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục gây ra các tác động tiêu cực. Một trong các tác động rõ nét là nhập khẩu hàng hóa của nhiều nước sụt giảm và kéo theo các tác động đến hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước.

Trong bối cảnh trên, các DN đặc biệt là những DN trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hoặc tham gia xuất khẩu cần sớm chủ động phân tích và sẵn sàng nhiều kịch bản thích ứng phù hợp. Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác, các DN cần có triển vọng thị trường tốt nhất cho từng thời kỳ và phạm vi kinh doanh. Như trong lĩnh vực dệt may thời gian tới, Mỹ vẫn là thị trường cốt lõi để đầu tư và tiếp đến là EU, Nhật Bản, Nga, Trung Đông. Ngoài ra cũng cần hạn chế tác động tiêu cực và phát huy, khai thác lợi thế ở gần thị trường Trung Quốc. Điểm đáng lưu ý khác là các DN cần chủ động các công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá và khai thác nguồn lực tài chính, quan hệ và kinh nghiệm thị trường của Việt kiều trong hoạt động xuất khẩu. Song theo Phó TGĐ CTCP Intimex – Trịnh Quốc Thái, với tình hình kinh tế như hiện nay, các DN không nên trông chờ quá nhiều vào sự trợ giúp của Chính phủ và nên tự xoay xở, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình.

Giải pháp tài chính

Dẫu vậy, câu chuyện tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất và tỉ giá vẫn là chủ đề được giới DN xuất khẩu quan tâm hơn cả. Chia sẻ với những khó khăn về lãi suất cho vay mà các DN trong nước hiện đang phải đối mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia – ông Hà Huy Tuấn cho rằng, chính do mức lãi suất cao tại các ngân hàng mà các DN phải thận trọng trong kế hoạch kinh doanh của mình. Bởi trong bối cảnh thắt chặt tín dụng hiện nay, khó khăn về vốn không chỉ là chuyện riêng của các DN xuất khẩu. “Giải pháp về vốn theo đó phải mang tính tổng thể” – ông Hà Huy Tuấn đưa ý kiến. Tuy nhiên, nên chăng cũng cần có sự phân biệt trong cung tín dụng và ngân hàng cũng nên đánh giá khả năng sinh lời của từng DN. Trên cơ sở đánh giá giá rủi ro và khả năng quản trị, ngân hàng có thể ưu tiên cung cấp các khoản tín dụng phù hợp cho các DN tốt. Điều này trái ngược với việc phải hạn chế tín dụng với những DN kinh doanh và quản trị kém. 

Thực tế các hoạt động xuất khẩu hiện là một trong những nhóm ngành bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhận được nhiều ưu tiên về vốn và lãi suất từ phía các ngân hàng. Cho đến nay, đây là một trong số ít ngành nhận được mức lãi suất cho vay 17-19% từ phía các ngân hàng với loạt các gói tín dụng từ vài nghìn đến hàng chục tỉ đồng. Phó TGĐ SeABank – bà Nguyễn Thị Hương Giang – cho hay, bản thân các ngân hàng cũng nhận thấy các DN gặp khó khăn trầm trọng vì nhu cầu vốn không được đáp ứng, hoặc phải vay vốn với lãi suất tăng cao trong khi tỉ giá ngoại hối không ổn định. Và đây là thời điểm các DN xuất khẩu cần thêm các gói tài trợ xuất khẩu với lãi suất thấp từ phía ngân hàng. Sau một loạt các NH lớn như BIDV và Vietinbank, SeABank cũng công bố dành khoản tài trợ 3.000 tỉ đồng cho các khách hàng xuất nhập khẩu với lãi suất cho vay giảm đến 1,5%/năm. Ngoài việc tài trợ ngay khi khách hàng có hợp đồng xuất khẩu với tỉ lệ tài trợ lên tới 90%, theo bà Giang, SeABank cũng cam kết cung cấp đủ nguồn ngoại tệ cho khahcs hàng nhập khẩu thanh toán với ngân hàng nước ngoài.

Năng lực hấp thụ vốn

Bên cạnh vấn đề lãi suất cao, các DN hiện nay còn lo ngại khác là nguy cơ đói vốn. Câu hỏi đặt ra là có phải VN thiếu tiền nên các DN đói vốn?

Vấn đề thực chất không phải như vậy, khi mà dư nợ cho vay của các NH là đang rất cao. Bên cạnh đó, các nguồn vốn khác cũng khá dồi dào. Vì thế, vấn đề chính là ở chỗ sự thắt chặt chính sách tiền tệ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng thắt chặt tiền tệ là đúng đắn và cần thiết. Bên cạnh đó, việc cho vay theo tiêu chuẩn để đảm bảo độ an toàn là điều đặc biệt cần lưu tâm. Do vậy, câu chuyện về vốn nằm ở nút thắt chính là các DN. Các ý kiến phân tích cho rằng DN cần nhìn lại mình xem năng lực quản trị, tính hiệu quả của dự án đầu tư và đặc biệt là sức cạnh tranh. Đại diện các NH cho rằng, DN không thể kêu đói vốn khi mà DN không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vay nợ; và cũng chẳng có NH nào lại liều lĩnh cho DN vay để rồi gánh chịu rủi ro. Như vậy có nghĩa là, để khơi thông dòng vốn thì cần sự lưu thông 2 chiều giữa NH và DN. Tức là NH có tiền cho vay, nhưng DN phải có khả năng hấp thụ hiệu quả để làm ăn và trả nợ.

Đức Long

Văn Nguyễn
Nguồn: Báo Điện tử Lao động