Hạn chế trong đầu tư công chưa được cải thiện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều dự án tăng quy mô và tổng mức đầu tư

Năm 2013 là năm thứ 3 thực hiện Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Nhưng báo cáo của Kiểm toán Nhà nước lại cho thấy, những hạn chế lâu nay trong đầu tư công vẫn chưa được cải thiện nhiều. Bởi hàng loạt dự án vẫn tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt lần đầu với số vốn rất cao như: Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tăng 20.920 tỷ đồng, tăng 0,85 lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt lần đầu; Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỷ đồng, tăng 0,89 lần; Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tăng 10.148 tỷ đồng, tăng 0,5 lần; Dự án Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu tăng 6.096 tỷ đồng, tăng 0,8 lần; Dự án Tuyến đường bộ mới Phủ Lý – Mỹ Lộc (BT) tăng 1.183 tỷ đồng; Dự án Đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ tăng 775 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, không ít các dự án có điều chỉnh tăng quy mô mà vẫn được chấp nhận. Ví dụ như Dự án Đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Chúc – Khả Phong (Hà Nam) tăng 122,2 tỷ đồng, bằng 3,8 lần tổng mức đầu tư được phê duyệt lần đầu hay 30 dự án ở Lào Cai tăng 203 tỷ đồng, tăng 0,26 lần tổng mức đầu tư được phê duyệt lần đầu. Ngay cả một Dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 cũng có tổng chi phí đầu tư vượt tổng mức đầu tư 3.385 tỷ đồng, chỉ có điều chủ đầu tư chưa trình Bộ Công thương phê duyệt.

Một hạn chế khác trong đầu tư phát triển cũng được báo cáo chỉ ra là phê duyệt điều chỉnh dự án nhiều lần, không bảo đảm trình tự thủ tục, lập tổng mức đầu tư chưa hợp lý, điều chỉnh tổng mức đầu tư không kịp thời. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh đến các dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại TP Hà Nội đưa ra tổng mức đầu tư cao, nên có sự chênh lệch lớn với tổng dự toán được duyệt. Ví dụ như cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – đường Láng có tổng mức đầu tư phê duyệt hơn 348 tỷ đồng, nhưng tổng dự toán được duyệt chỉ khoảng 224 tỷ đồng (giảm hơn 124 tỷ đồng); cầu Nguyễn Chí Thanh – đường Kim Mã có tổng mức đầu tư ban đầu là 360 tỷ đồng, tổng dự toán duyệt gần 233 tỷ đồng (giảm gần 128 tỷ đồng); cầu Nam Hồng – Mai Dịch – Nội Bài có tổng mức đầu tư 306 tỷ đồng, tổng dự toán duyệt 211 tỷ đồng (giảm 95 tỷ đồng).

Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, các dự án không được khởi công mới nếu chưa bố trí được vốn. Tuy nhiên, số lượng các dự án mới được khởi công trong năm 2013 vẫn rất lớn như: TP Hồ Chí Minh có 1.097 dự án; Quảng Ninh 262 dự án; Cao Bằng là 302 dự án; Bắc Kạn là 240 dự án; Lạng Sơn là 229 dự án; Lai Châu là 278 dự án; Phú Thọ là 289 dự án; Vĩnh Phúc là 293 dự án; Hà Nam là 220 dự án; Hà Tĩnh là 338 dự án… Cá biệt, một số dự án được phê duyệt đầu tư dù chưa xác định rõ nguồn vốn, cũng như khả năng cân đối vốn. Ví dụ như dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn cầu Bến Thủy – tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (BOT); Dự án Thủy lợi, thủy điện Quảng Trị; Dự án Mở rộng Trụ sở Cục Tần số vô tuyến điện; Dự án Đầu tư xây dựng công trình Trạm bơm Đại Định, Bạch Hạc, Liễu Trì mở rộng (tỉnh Vĩnh Phúc); các dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; một số dự án của TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Long An, Sóc Trăng, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bình Thuận.

Khó xem xét trách nhiệm?

Những hạn chế cũ trong đầu tư công vẫn lặp lại dù đã qua hai năm thực hiện Chỉ thị 1792 – vốn được coi là một điển hình trong thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, nên dễ hiểu vì sao các ĐBQH đưa ra nhiều lo ngại khi cho ý kiến với quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Thực tế, năm 2013 là nhiều nguồn thu ngân sách quan trọng giảm, khiến phải tăng thu từ dầu thô, quyền sử dụng đất, hay chuyển từ lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước sang mới có thể vượt thu so với dự toán. Song do việc chấp hành kỷ luật đầu tư chưa thay đổi nhiều, nên thâm hụt ngân sách cao hơn nhiều so với mức tăng thu, thậm chí nước ta rơi vào tình trạng “phải dốc hết toàn lực”, “trong túi còn bao nhiêu tiền là bỏ ra hết” để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. 

Điều ngạc nhiên nữa là quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 đã cao hơn so với dự toán để trình QH đến 33%, trong khi nếu thực hiện đúng Luật Ngân sách Nhà nước, thì chỉ cần tăng vượt 10% tổng mức đầu tư sẽ phải phê duyệt lại dự toán của công trình, dự án. Vậy vì sao con số chi đầu tư công lại tăng hơn nhiều so với quy định mà không được đưa ra để phê duyệt lại? Tại sao QH lại luôn rơi vào tình trạng sự đã rồi khi xem xét, phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước, trong khi đáng lẽ với bối cảnh nợ công tăng cao thì việc chi tiêu phải rón rén hơn?

 Băn khoăn này không khó trả lời, vì Chỉ thị 1792 đã xác định trách nhiệm của người đứng đầu dự án đầu tư công nếu để xảy ra sai phạm, và là văn bản đầu tiên quy định rõ về vấn đề này. Nhưng thực tế, báo cáo thực hiện Chỉ thị 1792 trong năm 2013 hay năm 2014 đều không đề cập đậm nét về những sai phạm và việc xử lý. Trách nhiệm không khó xác định, thì tại sao lại khó đưa ra xem xét xử lý đến vậy?

Lê Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân