Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia: Doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều có lợi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Ðăng ký DN qua mạng điện tử đã chính thức được quy định tại Nghị định số 43/2010/NÐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN có hiệu lực từ ngày 1-6. Tính đến ngày 31-8, đã có 47/63 tỉnh, thành phố thực hiện việc ứng dụng nghiệp vụ đăng ký DN trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia. Tuy nhiên, do chưa kết nối được dữ liệu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nên việc cấp mã số thuế DN tại các tỉnh, thành phố vẫn được thực hiện theo trình tự luân chuyển hồ sơ giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế theo phương thức: Cử cán bộ trực tiếp giao và nhận hồ sơ giữa hai cơ quan, qua bưu điện hoặc nhận và gửi hồ sơ thông qua máy fax. Vì vậy, nếu hoàn tất việc kết nối dữ liệu giữa hai cơ quan này thì thủ tục thành lập DN sẽ được rút ngắn đáng kể. Chẳng hạn tại Hà Nam, chỉ riêng việc đăng ký kinh doanh và cấp mã số DN (chưa tính việc đăng ký thuế) trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia, thời gian hoàn tất các thủ tục chỉ còn 27 phút. Rõ ràng, chi phí cho thủ tục đăng ký DN đã được cắt giảm đáng kể và đương nhiên, với thủ tục thành lập DN được tiến hành nhanh gọn nhờ Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia, DN có thể tận dụng được nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh hơn. Hơn thế, hệ thống này còn có thể tự kiểm tra được tính hợp lý của hồ sơ, do vậy giảm thiểu được sự can thiệp của con người vào quy trình xử lý nghiệp vụ, hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình xử lý hồ sơ đăng ký DN.   Về phía cơ quan quản lý nhà nước, với sự hoàn tất về kết nối dữ liệu, hiệu quả quan trọng nhất có lẽ là bộ thông tin chuẩn xác về DN Việt Nam lần đầu tiên được hoàn thiện. Ðây là cơ sở quan trọng để các cơ quan hoạch định chính sách nắm rõ về tình hình hoạt động, kinh doanh của các DN trên phạm vi cả nước. Từ trước đến nay, dữ liệu về DN trên cả nước đang có sự khác biệt khá lớn giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Con số DN mà cơ quan đăng ký kinh doanh công bố bao gồm số DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cộng dồn đến nay, trong đó có cả DN không còn hoạt động và DN cấp phép nhưng chưa triển khai. Trong khi đó, số DN do cơ quan thuế công bố là những DN đã được cấp mã số thuế, bao gồm cả các DN không còn hoạt động nhưng do nợ thuế Nhà nước nên chưa loại bỏ được và những DN đã được cấp mã số thuế nhưng chưa triển khai. Do đó, việc hoàn tất kết nối dữ liệu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế sẽ hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN với tập hợp dữ liệu thống nhất về các DN trên phạm vi toàn quốc.   Cục Phát triển DN cho biết, để có thể kịp triển khai theo đúng tiến độ nêu trên, đơn vị này đang tích cực hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật và phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nhằm kết nối cơ sở dữ liệu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Mới đây nhất, Tổng cục Thuế cũng đã có Công văn số 3397/TCT-KK ngày 1-9-2010 đề nghị Cục Thuế các địa phương thống nhất kế hoạch triển khai việc kết nối truyền dữ liệu với Sở Kế hoạch và Ðầu tư các tỉnh, thành phố. Theo công văn này, sau khi hoàn tất việc kết nối truyền dữ liệu giữa hai cơ quan thuế và đăng ký kinh doanh địa phương, Trưởng phòng Kê khai và Kế toán thuế hoặc Trưởng phòng Tin học gửi thư điện tử thông báo về Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế). Trên cơ sở này, Tổng cục Thuế sẽ mở cổng kết nối với cơ quan đăng ký kinh doanh để truyền dữ liệu đăng ký DN về Cục Thuế. Khi đó, toàn bộ thủ tục đăng ký DN sẽ được ứng dụng trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia.     Theo Nghị định số 43/2010/NÐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN, thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính thực hiện nhiều thủ tục rườm rà, cá nhân muốn thành lập DN chỉ cần đăng ký thông qua Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia. Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ, xem xét, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung và thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký DN qua Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia.

Nguồn: Báo Nhân dân  điện tử