Hiệp hội không phải là công cụ để ép giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo kiến nghị của VEA, ngoài giá điện có hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng nghèo, khó khăn, giá điện sẽ tính theo giá thị trường là 8 cent/kWh, tương đương 1.500 đồng, tăng gần 50% so với mức giá hiện nay.

Có thể thấy rằng, các ý kiến chủ đạo mà VEA nêu lên là kết quả của cuộc hội thảo-hiệp thương giữa chủ yếu là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn như Dầu khí, Điện lực, Công nghiệp Than và Khoáng sản- những đại gia cùng đẳng cấp đang độc quyền ngành năng lượng ở VN. Những kiến nghị này có nhiều dấu hiệu “liên minh”, cả về hình thức và nội dung của chúng, thể hiện đậm nét ở 3 điểm sau:

Thứ nhất, về cách thức kiến nghị, đây là lần đầu tiên Hiệp hội Năng lượng ra kiến nghị tập thể, kiểu “chúng khẩu đồng từ”, anh ủng hộ tôi, tôi sẽ ủng hộ anh. Nghĩa là, sau khi rút kinh nghiệm thực tế trong nước và quốc tế, lần đầu tiên một  hiệp hội ngành nghề, đặc biệt có tính chất nhà nước cao, đã hoạt động như một công cụ gây sức ép tập thể lên Ban Bí thư và Chính phủ đòi tăng giá điện, sau khi cảm thấy kiến nghị riêng lẻ ở từng cơ quan hội viên không mấy có trọng lượng.

Thứ hai, về quan điểm chỉ đạo, để tăng sức ép đến Đảng, Nhà nước và người tiêu dùng, Hiệp hội các nhà năng lượng độc quyền này trương cao 2 tiền đề cơ bản do họ độc quyền tự khẳng định là “Không có giá thị trường thì không có nhà đầu tư và không có vốn đầu tư nhờ tăng giá điện thì sẽ không bao giờ VN đủ điện”. Nói cách khác, theo họ, để có giá thị trường về điện chỉ cần tăng giá điện theo giá thị trường quốc tế, bất chấp chưa và không cần có cơ chế cạnh tranh thị trường trên thị trường năng lượng nói chung và từng thị trường dạng năng lượng nói riêng ở VN; còn để có vốn đầu tư vào ngành điện chỉ có cách cách duy nhất là  tăng giá điện thật cao để dôi ra khoản vốn khổng lồ hàng tỷ USD cho họ trực tiếp là chủ đầu tư triển khai các dự án điện, mà không cần huy động vốn ngoài xa hội làm gì cho phức tạp và “mất lộc”…! Theo ước tính sơ bộ của Viện Năng lượng VN, với sản lượng của ngành điện hiện nay, chỉ cần tăng 1 đồng, ngành điện sẽ thu thêm được tới 100 tỷ đồng/năm chứ không ít. Giá điện tăng 500 đồng, túc chỉ vài “xen” theo cách gọi khéo, thì ngành điện định thu thêm “sau 1 đêm ngủ dậy” mà không cần làm gì  tới 50.000 tỷ đồng/năm, tức xấp xỉ 2,5 tỷ USD, nghĩa là tha hồ vốn cho EVN trực tiếp làm chủ đầu tư, khỏi cần tính toán đau đầu …!

Thứ ba, về nội dung kiến nghị, sao trước khi hội thảo-hiệp thương tăng giá điện, họ không chủ động và tích cực tổ chức những hội thảo khoa học tầm cỡ về các chủ đề họ phải làm gì và thực tế đã làm hay chưa để cải thiện cả số lượng và chất lương hoạt động ngành điện và các ngành năng lượng khác của VN ? Không hiểu khi đồng thuận cao trong việc “ra giá” điện với mức “khủng”  như trên, “Hiệp hội Năng lượng” căn cứ vào các số liệu và thực tiến khoa học và minh bạch đến đâu? Sao không có giải trình chi tiết công khai cho rộng đường dư luận tham vấn? Mà chỉ đưa ra các kết luận và lời giải thích chung chung, và đã công khai kiểm toán hay chưa các tổn thất điện năng, năng suất lao động, định mức tiêu thụ vật liệu, cũng như các chi phí tiền lương và hư hao, thất thoát đủ loại khác… được tính tất tần tật vào giá thành hay mức tăng giá điện và các dạng năng lượng khác… Hơn nữa, làm cách nào để xác định chính xác, minh bạch, kịp thời theo cả tiêu chí định tính và định lượng 2 nhóm đối tượng để áp giá điện mới theo sáng kiến đột phá của VEA ? Và liệu “cơ chế hai nhóm đối tượng” này  có là kẽ hở để dung dưỡng “cơ chế xin-cho” trong xếp hạng giàu – nghèo (như đã từng xảy ra chuyện chạy xếp hạng xã nghèo để nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ trong thời gian qua ở một số tỉnh) và phát sinh các dạng hạch toán “xập xí xập ngầu”  có tính chất ăn gian và tham nhũng, gây thất thoát trong quản lý thu tiền điện trong tương lai? Phải chăng xác định các hỗ trợ chính sách giá điện theo tiêu chí định lượng là 50 kW đầu gây bất công  và thiệt hại cho xã hội hơn là cách tính theo tiêu chí chủ yếu có tính định tính cao là trung bình  và nghèo.

Đặc biệt, VEA cho ra lò ý tưởng mới lạ   là “Tổng công ty quản lý giá điện cho hai nhóm đối tượng”; Không rõ hình hài và cơ chế của nó ra sao ? Đó là Tổng công ty kinh doanh thương mại hay cơ quan quản lý hành chính nhà nước thay cho Cục Giá của Bộ Tài chính. Một khi đã là cạnh tranh thị trường đúng nghĩa giá là do thị trường quy định, còn hiện nay chưa có cơ  chế thị trường trong ngành điện thì sao lại cần một định chế kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy?      Thực tế cho thấy, trước khi có cạnh tranh thị trường mà cho phép các doanh nghiệp tự định giá là biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, cục bộ, thậm chí tư nhân, là mang lại lợi ích độc quyền kép cho doanh nghiêp độc quyền, vì vừa không phải cạnh tranh thị trường, vừa được làm giá độc quyền. Thực tế cũng cho thấy, chỉ có giá thị trường khi có cạnh tranh và kiểm soát cạnh tranh thị trường lành mạnh; Thực tế cũng đòi hỏi Hiệp hội không được lạm dụng trở thành công cụ độc quyền ép giá cho Nhà nước và thị trường. Hơn nữa, không thể bắt người tiêu dùng hiện tại trả tiền cho người tiêu dùng tương lai, cũng như không nên để những nhà đầu tư không đủ năng lực gạt bỏ những nhà đầu tư hiệu quả và bắt cả xã hội làm con tin bảo đảm cho lợi ích cục bộ của mình. 

Thực tế đã, đang và sẽ còn khẳng định, không sợ thiếu vốn, thiếu hàng hóa và sản phẩm dịch vụ cho nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường, dù đó là điện năng, mà chỉ sợ thiếu cơ chế khuyến khích và quản lý đầu tư hiệu quả, cũng như thiếu cơ chế tuyển chọn đúng đội ngũ cán bộ, chuyên gia và nhà đầu tư có đủ năng lực, tâm và tầm để phát triển ngành điện và các dạng năng lượng khác vì lợi ích chung của quốc gia và cộng đồng.

TS Nguyễn Minh Phong
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp