Hàng giả, hàng nhái phổ biến do "siêu lợi nhuận"
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Khoa, Chủ tịch HATAP cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm luật sở hữu trí tuệ hiện nay đang diễn ra rất phức tạp, rất phổ biến, cả về mặt hàng, quy mô, mức độ vi phạm. Hàng giả không chỉ được sản xuất ở trong nước mà còn được đặt hàng sản xuất từ nước ngoài rồi được nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ.

Vấn nạn này đang không chỉ trực tiếp gây hại đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín thương hiệu chính phẩm của người sản xuất kinh doanh chân chính, làm lu mờ hình ảnh nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây ra mất lòng tin đối với người tiêu dùng, làm triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp bị phá sản.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hàng giả đã được Nhà nước quan tâm, với việc ban hành nhiều văn bản pháp quy, các lực lượng chức năng đã vào cuộc mạnh, tích cực. Tuy nhiên, theo ông Dương Thanh Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lí thị trường TP.HCM, do siêu lợi nhuận nên một bộ phận nhà sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Kiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thế giới Túi xách cho biết, không chỉ ở các cửa hàng, các chợ đầu mối mà tại các trung tâm mua sắm cao cấp túi xách hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai. Hậu quả là nạn túi xách giả, nhái tràn lan không kiểm soát, dẫn đến sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa sản xuất và kinh doanh túi xách, cũng như giữa những nhà sản xuất túi xách với nhau.

Đại diện Công ty Nhựa Bình Minh cho biết, việc làm nhái thương hiệu của Nhựa Bình Minh đã được phát hiện từ cách đây khoảng 15 năm. Khi đó, công nghệ sản xuất của những đối tượng làm ăn không chân chính còn kém nên doanh nghiệp dễ phát hiện và có cách phòng chống. Tuy nhiên, càng ngày hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp một cách tinh vi nên khó phát hiện.

Mặt khác, khi doanh nghiệp phát hiện ra hàng giả, làm đơn tố giác lên cơ quan chức năng và tang vật cũng đã bị tịch thu nhưng việc xử lí thường diễn ra khá lâu, không có câu trả lời sớm cho doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm.

Ngoài ra, theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn lan trên thị trường là do khả năng tự vệ của doanh nghiệp còn yếu, người tiêu dùng còn ham rẻ, đặc biệt, chế tài đối với hành vi vi phạm này còn quá nhẹ.

Do vậy, công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ riêng của lực lượng, doanh nghiệp hay cá nhân mà của toàn xã hội. Trong đó, vai trò doanh nghiệp cũng rất quan trọng, ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lí chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam (Cục Quản lí chất lượng hàng hóa) cho rằng, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các cấp các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Xử lí nghiêm mang tính ren đe cho các hành vi cố tình vi phạm xem thường kỷ cương phép nước, phương hại đến tính mạng sức khỏe người tiêu dùng…/.

Thu Dịu
Nguồn: Báo Hải quan Online