Hàng loạt DN phản đối khoản thu 1.500 tỷ của Hải Phòng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước đó, căn cứ Nghị quyết 148 của HĐND TP Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng giao UBND quận Hải An triển khai, tổ chức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng, thời gian thực hiện từ 1/1/2017.

Sở Tài chính Hải Phòng ước tính, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt khoảng 80 triệu tấn, số thu phí năm 2017 sẽ khoảng 1.500 tỷ đồng.

Ảnh hưởng môi trường đầu tư

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may có lượng hàng rất lớn xuất, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Trong khi, phía Hải Phòng đã  thu các loại phí xuất nhập khẩu như phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí vệ sinh container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex RL, phí CY monitor,.. mà doanh nghiệp đã phải nộp cho thành phố thông qua các công ty vận chuyển, công ty kinh doanh cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển.

Với mức thu như quy định như trên thì giả sử áp dụng cho năm 2016 chi phí phát sinh cho một doanh nghiệp như Tổng công ty May 10 là 2,18 tỷ đồng, Tổng công ty Dệt May Hà Nội là 686 triệu đồng, May Tinh Lợi trên 2,2 tỷ đồng, May Hưng Yên 473 triệu đồng…

“Quy định thu phí này của Hải Phòng là không hợp lý, phí chồng phí và là gánh nặng cho doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực, nhất là hàng may mặc là hàng nhẹ cồng kềnh, số lượng container rất lớn không thể đánh đồng với các loại hàng như sắt thép, xi măng…”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định.

Tương tự, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng cho rằng, các chi phí liên quan đến xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại cảng Hải Phòng hiện đã rất cao không những so với các nước trong khu vực mà còn cao hơn cả chi phí tại cảng TP.HCM.  Hiệp hội Bông sợi Việt Nam lo ngại, sau Hải Phòng sẽ có nhiều địa phương đồng loạt “tận thu phí” theo kiểu này.

Phản ánh của một số doanh nghiệp bông sợi cho thấy, trung bình một doanh nghiệp với lượng xuất nhập khẩu từ 150 – 400 container (40feet)/tháng  thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đến 2,4 tỷ đồng/năm cho chi phí này, chưa kể các chi phí đi lại và chờ đợi làm thủ tục.

“Hiệp hội Bông sợi Việt Nam xin kiến nghị xem xét và cho tạm dừng áp dụng quy định thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng Hải Phòng của TP. Hải Phòng để làm rõ các vấn đề liên quan, đặc biệt là quy trình và trình tự thủ tục ra quyết định, cũng như các tác động của quyết định này đối với các môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam bày tỏ.

Doanh nghiệp rơi vào thế bị động

Còn theo văn bản của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đầu năm 2017, Diễn đàn nhận được ý kiến phản đối đồng loạt từ các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước có hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ kho vận, logistisc, cảng biển, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, cùng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sau khi nghiên cứu, Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho biết nhận thấy có nhiều “điểm bất ổn” trong Nghị quyết 148.

Thứ nhất, có hiện tượng phí chồng phí, làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, vì họ đã phải chịu các phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí vệ sinh container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex RL, phí CY Monitor, phí Sealcharge, phí CB Lissur, phí cân tải trọng container…

Thứ hai, mức phí trong Nghị quyết 148 là “quá cao” và không chứng minh được nguyên tắc thu phí là để “cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí” theo quy định tại điều 8, Luật Phí và lệ phí năm 2015, cũng như các quy định về phí của các bên tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Theo Nghị quyết 148, Hải Phòng không làm rõ các thành phần kết cấu phí, không lý giải được mức thu so với chi phí cần bù đắp. Tổng thu năm 2017 từ phí mới trên được Hải Phòng dự tính lên 1.500 tỷ đồng là quá cao, bất hợp lý, có dấu hiệu lạm thu trái với quy định của pháp luật”, tờ trình nêu.

Thứ ba, theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân, có hiện tượng phân biệt đối xử giữa hàng hoá thông quan tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng với hàng hoá chuyển cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan… Vì tại Nghị quyết 148, mức thu phí với hàng hoá xuất nhập khẩu là 250.000 đồng/1 container 20 feet, 500.000 đồng/1 container 40 feet, nhưng hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cảnh, quá cảnh với hàng khô phải nộp 2,2 triệu đồng/container 20 feet, 4,4 triệu đồng/container 40 feet, loại hàng lạnh là 2,3 triệu đồng/container 20 feet…

Quy định này, theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân, sẽ tạo nên gánh nặng cho các doanh nghiệp vì phải nộp phí liên quan tới xuất nhập khẩu ở nhiều cửa khẩu khác nhau, có dấu hiệu tận thu, vi phạm cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và nhiều FTA Việt Nam đã ký kết.

Các doanh nghiệp cũng cho biết, họ không được lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, và chỉ biết khi Hải Phòng có thông báo chính thức vào cuối năm 2016, trong khi nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2017, khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, không kịp thời gian để tính toán phương án kinh doanh hoặc đàm phán lại các hợp đồng kinh doanh đã ký kết cho năm 2017.

Thanh Hằng

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Hang-loat-DN-phan-doi-khoan-thu-1500-ty-cua-Hai-Phong/296840.vgp