Hàng Việt chưa quan tâm đến “chất lượng cảm nhận”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xây dựng thương hiệu: đừng phó mặc cho nhà sản xuất

Đó là chia sẻ chung của các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam tại hội thảo “Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại: cần một chiến lược lâu dài”, được tổ chức bởi bộ Công thương, ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội sáng 18.9.

Phó giám đốc sở Công thương TP.HCM, bà Lê Thị Ngọc Đào kể một câu chuyện chua xót, trong một chuyến công tác ở tỉnh Bình Thuận, bà được một doanh nghiệp nước ép thanh long mời dùng thử và rất thích. Sau đó, bà đem biếu lại một số doanh nghiệp kinh doanh đồ uống tại TP. Hồ Chí Minh thì các doanh nghiệp này đặc biệt quan tâm, muốn hỏi nước đó bán ở đâu để nhập hàng. “Tuy nhiên, tôi cũng nói thực không biết bán ở đâu mà chỉ. Hỏi cơ sở sản xuất sao nước ngon, bổ thế mà không quảng bá, họ nói rằng, giá lên truyền hình 30 giây mà đến hàng chục triệu, bằng cả mấy tấn thanh long, tiền đâu”, bà Đào thuật lại.

Bà Vũ Thị Hậu, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam (chủ của hệ thống siêu thị Fivimart) cũng thừa nhận: chi phí quảng cáo ở Việt Nam quá lớn, là rào cản với doanh nghiệp Việt. “Dù kiểm toán khống chế tỉ lệ phần trăm, nhưng nhiều nhà sản xuất buộc phải chấp nhận, cõng phí quảng cáo cao và điều đó khiến giá thành hàng thiếu tính cạnh tranh, nhưng các nhà sản xuất phải tự làm chứ không thể trông chờ vào ai khác, phải làm cho sản phẩm của mình trở thành thương thiệu mới được các nhà phân phối đưa vào hệ thống của họ”, bà Hậu nói.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, tổng giám đốc Saigon Co-op cho rằng, để sản phẩm có được chỗ đứng thì yếu tố quan trọng nhất là chất lượng hàng hóa. “Nhưng chất lượng hàng hóa không chỉ đề cập đến chất lượng thực của sản phẩm mà còn “chất lượng cảm nhận” của người tiêu dùng. Điều này còn quan trọng hơn chất lượng thực”, bà Hạnh nhấn mạnh. Và để có được điều này, các doanh nghiệp phải tập trung tổ chức truyền thông quảng bá. Có điều, theo bà, “nhà phân phối phải cùng nhà sản xuất xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chứ không chỉ chọn các nhà sản xuất đã có thương hiệu”. Câu chuyện thành công của bánh tráng Phú Hòa Đông, muối Tiến Thành, rau củ quả Tân Phú Trung được bà Hạnh đưa làm ví dụ: từ ngày các sản phẩm này chưa có tên tuổi, Saigon Co-op đã giúp những nhà sản xuất này lập quy trình, đầu tư sản xuất, làm nhãn hiệu, đăng kí chất lượng rồi phân phối, và đến nay, những sản phẩm này không chỉ được bán trong siêu thị của Saigon Co-op mà các kênh phân phối khác đã tìm đến họ.

“Khi một nhà sản xuất trong nước được các kênh phân phối có uy tín chấp nhận tức là đã cho người tiêu dùng cảm nhận chất lượng về hàng hóa tốt hơn” và như vậy là đã “tạo điều kiện cho nhà sản xuất xâm nhập thị trường”, bà Hạnh nói, đó vừa là quan tâm đến chất lượng cảm nhận đồng thời cũng là đã xây dựng cầu nối đến với người tiêu dùng.

Hàng nội vẫn khó cạnh tranh vì giá cao

Vậy nhưng, cũng theo bà Hạnh, một trong những điểm thiếu tính cạnh tranh của hàng Việt hiện nay là giá cả. Đại diện Fivimart, bà Hậu thống kê: ngày thường, đối với các sản phẩm thiết yếu thì hàng Việt tiêu thụ ở Fivimart chiếm khoảng 90%, 10% còn lại là một số mặt hàng Việt Nam chưa sản xuất được như táo, nho, cherry. “Còn hàng gia dụng, quần áo trẻ em thì Trung Quốc rất phổ cập cả vì giá rẻ, mẫu mã thay đổi liên tục, nhu cầu người tiêu dùng vẫn cao nên nên chúng tôi bắt buộc phải bán. Thêm vào đó, hàng nội thì các nhà sản xuất thường chọn đại lí cấp một nên chúng tôi phải mua lại, dẫn đến giá cao”, bà Hậu nói.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, phó chủ tịch hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, để hàng Việt có chỗ đứng, thì gốc vấn đề đành rằng phải có sản phẩm đa dạng mẫu mã, chất lượng tốt, giá cả hợp lí cho từng phân khúc thi trường, tức vai trò của nhà sản xuất là đầu tiên, nhưng trong thời kì hiện nay, phải đánh giá được sự thay đổi vài trò của nhà sản xuất và nhà phân phối trong quá trình lưu thông: vai trò phân phối thậm chí chi phối ngược lại quá trình sản xuất.

Bà Hạnh cho biết thêm, khi cạnh tranh về giá thì hàng dệt may là khó cạnh tranh nhất so với hàng Trung Quốc. Bà Hạnh nói: Dù sản xuất tại Việt Nam nhưng nguyên phụ liệu như vải, nút, chỉ đều nhập Trung Quốc nên cơ cấu giá thành sản phẩm cao, điều này dẫn đến chuyện có nhà sản xuất ở phía Nam đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng về gắn mác Việt Nam, nhiều nhất là dòng may mặc phân khúc giá rẻ. Phó giám đốc sở Công thương Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đồng cũng lo lắng: hiện nay khi người tiêu dùng bắt đầu tin dùng hàng hóa Việt Nam cũng thì cũng là lúc bắt đầu xuất hiện hàng Việt bị làm giả, thậm chí bị làm giả ngay từ nước ngoài.

Cũng liên quan đến câu chuyện cạnh tranh về giá, đại diện Sài Gòn Co-op cho biết thêm, khi mở rộng chuỗi siêu thị ra miền Bắc, với một số mặt hàng rau củ quả, do khó về nguồn hàng (theo mùa) nên có siêu thị đành phải kinh doanh hàng Trung Quốc vì giá cả hàng nội (tại chỗ lẫn chuyển từ Đà Lạt ra) đều cao”, bà Hạnh thừa nhận.

Chí Hiếu
Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị