Hành vi niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ: Xử phạt nghiêm, tránh “giơ cao đánh khẽ”!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

* Ông Bùi Khắc Công (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai): Niêm yết giá hàng hóa bằng đô la, doanh nghiệp được lợi hai lần
Không phải bây giờ, từ nhiều năm trước, hành vi niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng USD đã trở nên phổ biến. Hàng hóa được niêm yết bằng USD cũng vô cùng đa dạng, từ các dự án xây dựng, đất đai, cho đến các mặt hàng ngoại nhập như điện máy, đồ gia dụng, thời trang, giày dép, mỹ phẩm… Lý do được các chủ doanh nghiệp đưa ra là các mặt hàng, dịch vụ, hoặc nguyên vật liệu… họ cung cấp chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, nên cần phải niêm yết giá bằng ngoại tệ. Bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại, thích tiêu tiền ngoại để khẳng định “đẳng cấp” cũng là nguyên nhân khiến hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ ngày càng được nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng thực hiện. Các hàng hóa, dịch vụ khi được niêm yết giá bằng ngoại tệ thường chủ doanh nghiệp, cửa hàng tính theo tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm bán ra. Bằng cách đó, họ đã được hưởng lãi hai lần, một lần hưởng chênh lệch từ chi phí đầu vào đến giá bán ra và một lần hưởng chênh lệch tỷ giá. Với hành vi niêm yết hàng hóa bằng ngoại tệ, người bán đã đẩy mọi rủi ro về phía khách hàng, trong khi giá trị hàng hóa của họ luôn được bảo đảm bằng sự dao động của tỷ giá ngoại tệ. Tôi nghĩ, “người tiêu dùng thông thái” không chỉ đơn giản biết lựa chọn chất lượng hàng hóa, mà cần phải am hiểu những quyền mà mình được hưởng, không để các doanh nghiệp, người bán hàng lợi dụng tâm lý chuộng hàng ngoại để kiếm lời bất chính…

Bà Thân Thị Loan (phường Phúc Đồng, quận Long Biên): Công tác quản lý còn quá yếu…
Mặc dù Pháp lệnh Ngoại hối đã quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú… không được thực hiện bằng ngoại hối, nhưng hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn ngang nhiên sử dụng đồng USD để tham chiếu hoặc niêm yết giá bán bất động sản cho khách hàng. Chỉ cần vào mạng và nhấp chuột, khách hàng sẽ thấy ngay hàng chục dự án bất động sản được chào bán bằng USD, như các dự án chung cư Hattoco, Hillstate Villa 1 (Hà Đông), Keangnam (Mỹ Đình), Indochina Plaza Hanoi (Xuân Thủy, Cầu Giấy)… Điều đáng ngạc nhiên, việc kiểm tra các dự án niêm yết giá bằng ngoại tệ rất đơn giản, nhưng cơ quan chức năng lại bó tay? Phải chăng công tác quản lý bị buông lỏng? Việc tăng nặng khung xử phạt lên mức từ 300-500 triệu đồng với hành vi niêm yết giá bán bằng ngoại tệ cho thấy quyết tâm của Nhà nước trong việc xóa bỏ hành vi dùng đồng tiền của quốc gia khác làm “chuẩn” để bán hàng trên thị trường Việt Nam. Thế nhưng, nếu cơ quan quản lý không kiểm soát chặt chẽ và người tiêu dùng không tẩy chay, thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện những địa chỉ bày bán sản phẩm được niêm yết bằng ngoại tệ, thì mức phạt dù tăng cao cũng khó chấm dứt được tình trạng này.

Ông Trần Ngọc Long (phường Thổ Quan, quận Đống Đa): Cần xử lý nghiêm hành vi trao đổi, mua bán USD trái phép
Tuy Nhà nước đã siết chặt việc mua bán USD trái phép, nhưng trên thị trường tự do hoạt động này vẫn diễn ra bình thường, chỉ có điều kín đáo hơn một chút so với trước. Tại “chợ đô la” trên phố Hà Trung hay bất kỳ cửa hàng mua bán vàng bạc nào trên địa bàn Hà Nội, khách cũng đều dễ dàng trao đổi ngoại tệ, với số lượng từ vài trăm đến cả chục ngàn USD. Điều này lý giải một phần nguyên nhân cho thực trạng niêm yết giá cả bằng đồng USD vẫn khá phổ biến. Hơn nữa việc mua bán đồng USD ngoài thị trường tự do dễ dàng và có lợi nhuận cao hơn so với việc trao đổi tại các ngân hàng, dẫn đến tình trạng nhiều người dân trong giao dịch, mua bán vẫn coi USD là một phương tiện hiệu quả. Theo tôi, để chấm dứt tình trạng niêm yết giá bằng ngoại tệ, nhất là bằng USD, các lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn, xử lý thật nghiêm hành vi trao đổi, mua bán USD trái phép.

Bà Phạm Quỳnh Nga (phường Mai Động, quận Hoàng Mai): Niêm yết giá bằng ngoại tệ là vi phạm pháp luật
Tình trạng niêm yết giá bằng USD chưa giải quyết triệt để được là vì lợi nhuận của người bán hàng và tâm lý dễ dãi chấp nhận của người mua. Hơn nữa, nhiều người bán hàng cũng khá khôn khéo trong việc niêm yết giá bằng USD, nên việc phát hiện vi phạm không hề đơn giản. Có những mặt hàng, người bán niêm yết bằng cả giá USD và VND, khi thanh toán tùy thuộc vào khách hàng lựa chọn loại tiền thuận tiện với mình. Việc niêm yết song song như vậy cũng cần phải xử lý, bởi theo quy định, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được mua bán, định giá bằng đồng Việt Nam và mọi hành vi niêm yết giá hàng hóa bằng bất kỳ loại ngoại tệ nào đều là vi phạm pháp luật.
Nga Thủy lược ghi
Nguồn: Báo Hà Nội mới điện tử