Hỗ trợ lãi suất cho Doanh nghiệp: Niềm vui ẩn chứa rủi ro!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp đã dễ thở!

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và nhỏ Việt Nam: “Ngân hàng thương mại giảm lãi suất, Chính phủ hỗ trợ thêm 4% lãi suất, điều này theo tôi là quá tốt, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng cần có thời gian để gói kích cầu này phát huy tác dụng. Bởi hiện nay, ngoài nỗi lo thiếu vốn thì doanh nghiệp đang có mối lo lớn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm hay nói cách khác là thị trường tiêu thụ. Có thể trong đợt cắt giảm lãi suất này, sẽ không còn cảnh các doanh nghiệp ồ ạt đến ngân hàng vay vốn như một số lần trước nữa. Trong hoàn cảnh hiện nay, doanh nghiệp đều phải tính toán hết sức cẩn thận và chi tiết về kế hoạch kinh doanh của họ, nếu họ thấy không có lãi nhiều thì họ có thể sẽ không dám đi vay”.

Trên thực tế, ngay cả những người lạc quan nhất cũng ít có thể ngờ rằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại lại giảm nhanh đến vậy!. Cách đây khoảng 5 tháng, DN còn phải vay với lãi suất 21%/năm chưa kể các khoản phụ phí, thì đến nay được vay với lãi suất ưu đãi là 8,5% và được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thêm 4%/lãi suất thì DN sẽ được vay với lãi suất 4,5-5%/năm. Còn nếu không được vay ưu đãi thì DN vay vốn với lãi suất 6-7%/năm.

Theo ông Mai Huy Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đức Việt: “Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, thuộc diện được vay bù lãi suất của Chính phủ. Với mức lãi suất hiện nay của các ngân hàng khoảng 10%/năm, được bù lãi suất 4%/năm, thì DN có thể vay với mức lãi suất 6%/năm là quá tốt. Như Đức Việt, nếu được hưởng mức lãi suất là 8%/năm cũng đã là rất dễ thở rồi”. ông Tân cho biết thêm: “Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Hưng Yên, giảm lãi suất đối với khoản vay cũ từ 16% xuống còn 13,5%, áp dụng từ ngày 1.1.2009. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mất một thời gian nữa để trả hết nợ cũ, thì mới nhận được mức lãi suất hấp dẫn này”.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc nên nhiều DN cũng chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất mặc dù lãi suất cho vay đã mức hấp dẫn.

Ông Ngô Tấn Giác, Giám đốc Công ty Cà phê Thu Hà (Gia Lai): “Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại khoảng 5% là rất thấp, các DN hoàn toàn có thể chịu được mức lãi suất này. Chúng tôi cũng đang muốn vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng hiện nay sức mua của thị trường thế giới đang giảm sút, bên cạnh đó thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất chỉ là 8 tháng nên chúng tôi phải tính toán kỹ hơn nếu muốn mở rộng sản xuất kinh doanh”. Giám đốc một DN Dệt may cho biết, ngành dệt – may, giày da hiện nay là không tìm được thị trường tiêu thụ. Vì thế, việc hỗ trợ lãi suất vay vốn 4% tuy là tin mừng đối với các DN, nhưng không có đơn đặt hàng thì DN cũng không dám vay vốn dù lãi suất thấp.

Vui nhiều, lo cũng không kém

Không chỉ các DN cảm thấy vui mừng với mức lãi suất mới, mà các ngân hàng thương mại cũng vui chẳng kém. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có hội nghị hướng dẫn bù lãi suất cho các DN, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt triển khai ngay chương trình hỗ trợ lãi suất, nhằm mục đích đồng vốn đến với DN một cách nhanh nhất.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố chương trình hỗ trợ lãi suất của BIDV cho các DN theo thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 3.2.2009. Theo đó, BIDV sẽ dành 2.500 -2.800 tỷ đồng để cho DN vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất, đồng thời BIDV cam kết sẽ cho vay chính xác, kịp thời, minh bạch, công khai đúng đối tượng khách hàng, đúng giới hạn thời gian 1.2-31.12.2009 như quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. “Hy vọng đây sẽ là một liều thuốc hữu hiệu giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm” ông Trần Bắc Hà Chủ tịch Hội đồng quản trị của BIDV cho biết.

Tiếp đó, Ngân hàng thương mại cổ phần á Châu (ACB) cũng thông báo chương trình cho vay DN theo chủ trương bù lãi suất 4% của Chính phủ. Theo đó, ACB sẽ dành 35.000 tỷ đồng để cho các tổ chức, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất với mức lãi suất ưu đãi, đặc biệt là các DN sản xuất và DN xuất khẩu.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng hy vọng, gói bù lãi suất này sẽ giúp họ tăng tính thanh khoản của đồng vốn. Nhưng ông Cao Sĩ Kiêm lại lo ngại: “Tuy nhiên cũng nên lưu ý rằng, tín dụng dễ dàng hơn thì nhiều người cũng lo ngại về rủi ro. Vì thế tôi nghĩ cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải hết sức thận trọng trong việc cho vay và đi vay. Ngân hàng không nên vì ứ vốn mà cố gắng đẩy vốn đi. Doanh nghiệp không nên thấy lãi suất thấp thì đi vay. Nếu doanh nghiệp đổ bể, thì nợ xấu “hậu hỗ trợ lãi suất” sẽ không biết thế nào. Tín dụng đổ ra thị trường nhiều nếu không quản lý tốt còn có thể gây lạm phát nữa”.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng cho rằng: “Nếu không kiểm soát chặt chẽ, có thể xẩy ra tình trạng lợi dụng hỗ trợ lãi suất để cho vay không đúng quy định, không phát huy hiệu quả thực tế. Vì vậy, những hợp đồng cho vay ưu đãi phải có những quy định chặt chẽ hơn bình thường”.

Vương Trần
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử