Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Cần tìm tiếng nói chung
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hỗ trợ và nhận hỗ trợ: còn có khoảng cách

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, khó khăn nhất trong quá trình áp dụng pháp luật vào hoạt động sản xuất kinh doanh là việc xác định đúng, đầy đủ văn bản pháp lý liên quan thuộc các lĩnh vực do tính minh bạch thông tin và tính ổn định của hệ thống văn bản pháp luật nước ta chưa cao. Hệ thống pháp luật nước ta ngoài luật, nghị định, còn có thông tư; trong một số trường hợp còn có cả công văn hướng dẫn thực hiện, văn bản dưới luật lại thường xuyên thay đổi. Thêm vào đó, việc hiểu và áp dụng pháp luật giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong một số trường hợp chưa thống nhất cũng là một khó khăn của doanh nghiệp.

Tính đến tháng 7.2011, Thừa Thiên Huế có 4.149 doanh nghiệp, trong đó có 3.958 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tiếp cận được với hệ thống văn bản pháp luật một cách chính thống, đầy đủ, chính xác và áp dụng pháp luật như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung trong điều kiện hiện nay không dễ, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là hơi quá sức. Chính vì những khó khăn đó nên nhu cầu được hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn, và khi Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP doanh nghiệp đã đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Khó khăn và nhu cầu là vậy, nhưng thực tế, khi cơ quan chức năng nhà nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý thì số lượng doanh nghiệp tham gia rất hạn chế hoặc nếu có thì cũng tham gia một cách “chiếu lệ”, ngay cả đối với các hoạt động hỗ trợ thông qua hình thức hội thảo, hội nghị – vốn được đánh giá là kênh khá tốt trong việc truyền tải thông tin một cách trực tiếp cho doanh nghiệp.

Nghịch lý trên theo lý giải của các doanh nghiệp là do cách thức tổ chức thực hiện và nội dung chuyên đề pháp luật chưa thật sự phù hợp, chưa sát với yêu cầu của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, thời gian là yếu tố rất quan trọng nên nếu các nội dung chuyên đề cũng như chất lượng truyền tải thông tin  không đáp ứng thì doanh nghiệp cũng không mặn mà.  

Bên cạnh hạn chế do phía cơ quan nhà nước thì một ý thức về việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng hạn chế, phần lớn chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý một cách thường xuyên, chủ yếu chỉ nhờ đến dịch vụ này khi đã xảy ra các hậu quả, tranh chấp cần giải quyết.

Nghị định 66/2008/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật. Nhưng khi khảo sát, nhiều doanh nghiệp còn khá băn khoăn, do dự, cho rằng hiện tại đơn vị mình chưa có nhu cầu về cán bộ pháp chế.

Cũng theo Nghị định 66, thì doanh nghiệp có các quyền cơ bản như: được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử theo quy định, nếu văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực mà chưa được đăng tải thì doanh nghiệp có quyền đề nghị bộ, UBND tỉnh cập nhật; quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp việc giải đáp của cơ quan này chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các bộ có liên quan giải đáp. Những quy định này khá thoáng và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và được hỗ trợ pháp lý từ phía các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, với tâm lý ngại cơ quan công quyền, các doanh nghiệp hầu như chưa sử dụng đến quyền này.

Tìm tiếng nói chung 

 Từ năm 2008 đến nay, các đơn vị này đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông tuyên truyền về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, biên soạn và phát hành 6.000 quyển tài liệu có nội dung pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức hơn 30 hội nghị, hội thảo về các chuyên đề pháp luật, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp… Ngoài ra, Sở Kế hoạch –  Đầu tư đã xây dựng hệ thống 3 phần mềm: tiếp nhận thông tin và hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư; phần mềm giám sát đầu tư; cơ sở dữ liệu địa lý doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm cung cấp thông tin dữ liệu về doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như hệ thống văn bản pháp lý phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư…

Những vấn đề vướng mắc, hạn chế của các bên là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cũng như những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp định hướng việc thực hiện công tác này trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức, hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của doanh nghiệp. Theo đó, một trong những nội dung chuyên đề được lựa chọn để đưa vào chương trình bồi dưỡng cho các doanh nghiệp là giới thiệu, hướng dẫn về mô hình tổ chức, hoạt động của tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ – CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; các dịch vụ pháp lý của luật sư theo Luật Luật sư để doanh nghiệp hiểu rõ hơn những lợi ích khi sử dụng dịch vụ này ngay từ những khâu đầu tiên của hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không chỉ là lựa chọn để giúp giải quyết hậu quả.

Cần thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện KT – XH khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, tỉnh có hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông là địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang là địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn. Khẩn trương xây dựng và phát triển trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Dự án 1 của Chương trình 585, trong đó cập nhật đầy đủ các thông tin pháp lý liên quan đến doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định số 66 quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các bộ có trách nhiệm trả lời yêu cầu giải đáp pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Trường hợp có nội dung phức tạp hoặc liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực thì thời hạn này là 30 ngày làm việc. Nếu không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định chế tài xử phạt nếu các cơ quan có thẩm quyền không thực hiện theo quy định. Vì vậy, vấn đề này cần được làm rõ trong các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên.

Nguyễn Thị Đào
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân