Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Vẫn gặp khó
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chương trình 585 là Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/5/2010. Đây là Chương trình triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. 
 
Qua kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai tại 4 Bộ: Bộ Công thương, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông và 7 địa phương được lựa chọn làm điểm là Cần Thơ, Đăk Lăk, Đồng Nai, Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội và 5 tỉnh, thành phố có tính chất đặc thù như TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bạc Liêu cùng 4 tổ chức đại diện cho doanh nghiệp gồm Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp cho thấy, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có hiệu ứng tích cực. Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, các Sở về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ đã được tiếp cận các thông tin pháp luật một cách nhanh chóng thông qua các trang thông tin của Bộ, Sở; được giải đáp, tháo gỡ vướng mắc về pháp luật tốt hơn và đặc biệt góp phần củng cố và nâng cao quyền tham gia xây dựng pháp luật, kiến nghị về quy định của pháp luật cũng như trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật doanh nghiệp; nâng cao kiến thức pháp luật kinh doanh giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh của mình. 
 
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng công tác triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là do đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu làm việc kiêm nhiệm nên không đủ điều kiện dành thời gian đầu tư cho công tác này. Theo kết quả điều tra, khảo sát qua phiếu của Ban Quản lý Chương trình 585 với đối tượng là cán bộ, công chức cho thấy, có đến 78% cán bộ vẫn phải làm việc kiêm nhiệm khi thực hiện công việc này. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho hoạt động hỗ trợ pháp lý chưa đáp ứng được yêu cầu, chế độ thù lao chưa thực sự khuyến khích và phát huy được tiềm năng của cán bộ trong công tác hỗ trợ pháp lý, kinh phí dành cho hoạt động này khá hạn chế, chỉ có 19% được bố trí ngân sách riêng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn tại địa phương, các Bộ, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, các chương trình hỗ trợ pháp lý còn dàn trải, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ, do đó, chưa tạo được hiệu quả như mong muốn.

Một trong những nguyên nhân đáng quan tâm là nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đại bộ phận chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen áp dụng pháp luật để phòng, chống rủi ro trong kinh doanh. Đây chính là rào cản vô hình gây khó khăn trong việc phối hợp triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kinh phí của các tổ chức đại diện dành cho công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp không có. Việc dành nguồn lực bằng ngân sách của nhà nước nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, chủ sở hữu doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Chính điều này đã dẫn tới hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đi vào hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện pháp luật, nhiều doanh nghiệp bị sách nhiễu nhưng không biết cách vận dụng kiến thức pháp luật để bảo vệ mình. Các hiệp hội địa phương, văn phòng đại diện thuộc các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thiếu các đề xuất về phương án, kế hoạch phối hợp. Nhiều hoạt động của các tổ chức này chưa phát huy được tính chủ động, tích cực trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp hội viên tại các địa phương.
 
Điều mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang rất vướng chính là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành với số lượng lớn, ngày càng nhiều, lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên cần phải có sự cập nhật thường xuyên, trong khi đó đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và thời gian.
 
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay thì yêu cầu hiểu biết pháp luật kinh doanh là điều không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Vì vậy, ngoài việc cần sự hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan, tổ chức, hiệp hội thì mỗi doanh nghiệp cần phải tự tìm hiểu và không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật đặc biệt là các chủ doanh nghiệp và cán bộ làm công tác pháp chế để giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh, phòng, chống các rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thương trường. Đồng thời cần có giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là giải pháp phát triển kinh tế bền vững.

Hà An
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân