Hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp – Cần mở nhiều lớp tập huấn cho DN.
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các bộ thì “nhìn chung là cực kỳ quan liêu” cho nên việc trả lời, tháo gỡ vướng mắc rất chậm.

DN nhỏ chưa quan tâm

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM, cho biết hiện có hai nhóm nhu cầu về hỗ trợ pháp lý. Nhóm một là các DN mạnh, DN lớn. Nhóm này có hẳn bộ phận pháp lý trong công ty hoặc thuê tư vấn pháp lý dài hạn từ các văn phòng, công ty luật. Nhóm này có nhu cầu tham gia và đóng góp rất tích cực trong việc xây dựng pháp luật từ khâu dự thảo và cũng tham gia cải thiện các chính sách, quy định hiện hành. Nhóm thứ hai là các DN chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng pháp luật. Chỉ khi nào gặp khó khăn với quy định pháp luật thì mới bắt đầu tìm cơ quan quản lý để nhờ hỗ trợ.

Đại diện Hiệp hội DN TP.HCM cho biết DN nhỏ rất cần được hỗ trợ, giải đáp về pháp luật. Hiệp hội có một trung tâm hỗ trợ pháp lý cho DN. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trung tâm và hiệp hội hết sức hỗ trợ nhưng không giải quyết được vấn đề vì phụ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý. Ví dụ, có DN phản ánh họ không được cấp phép đầu tư vào một lĩnh vực trong giáo dục, không nằm trong diện bị hạn chế theo cam kết gia nhập WTO, có DN khác đã được cấp phép. Cơ quan cấp phép trả lời rằng đang “thí điểm” nhưng không giải thích vì sao có tình trạng kẻ được người không. Một trường hợp khác, nhiều DN đầu tư vào Khu công nghiệp Nhị Xuân, được hứa hẹn ưu đãi đầu tư. Thế nhưng DN đầu tư rồi, nay muốn hưởng hỗ trợ thì đi xin, đi hỏi khắp nơi mà sở này chỉ qua, sở kia chỉ lại, không ai giải quyết cho.

DN lớn lại không cần

Bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết vì tính chất của ngành nghề kinh doanh bất động sản mà hầu như DN hội viên nào cũng phải có phòng, ban phụ trách pháp lý, không phải nhờ Nhà nước hỗ trợ.

Tuy nhiên, với những vướng mắc pháp lý, đáng lẽ Nhà nước phải giải quyết thì lại không quan tâm giải quyết cho DN. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho biết tình trạng pháp lý hiện nay là “quy định không chặt chẽ, hướng dẫn không rõ ràng, quan đẩy khó cho dân, hỏi tiếp thì im re”. Ông Đực ví dụ cụ thể, tiêu chuẩn xây dựng quy định căn hộ chung cư loại A có diện tích 50-70 m2, loại B có diện tích 75-100 m2, loại C có diện tích từ 105 m2 trở lên. Như vậy, căn hộ 72 m2, 102 m2 thuộc loại A hay B hay C? Ngoài ra, tiêu chuẩn này cũng đưa ra tỉ lệ xây dựng ở một chung cư là 25% căn hộ loại A, 50% căn hộ loại B và 25% căn hộ loại C. DN có văn bản hỏi thay đổi tỉ lệ này được hay không. Bộ Xây dựng trả lời căn hộ loại A là thế này, B là thế kia, C là thế nọ (đã có sẵn trong tiêu chuẩn xây dựng) nhưng không đá động gì đến chuyện quan trọng là tỉ lệ xây dựng. DN hỏi thêm lần nữa, đề nghị trả lời dứt khoát là được hay không thì Bộ…  không trả lời luôn!

Ông Dương Đăng Huệ,  Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình 585, cho biết các vấn đề dễ thì nào có vướng mắc gì. Các vấn đề bị vướng toàn là vấn đề khó, liên quan nhiều bộ, ngành khác nhau. Mà các bộ thì “nhìn chung là cực kỳ quan liêu” cho nên việc trả lời, tháo gỡ vướng mắc rất chậm.

Sắp tới sẽ ban hành văn bản theo hướng tập hợp vào một văn bản mà thôi. Có sửa gì thì cũng sửa vào chính văn bản này. Đối với DN thì trước mắt họ chỉ cần một văn bản, thay vì vừa luật, vừa nghị định, vừa thông tư, vừa văn bản hướng dẫn khác… như hiện nay.

Ông DƯƠNG ĐĂNG HUỆ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế Bộ Tư pháp,  Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình 585

Phải huấn luyện từ cái… biên bản

Hiện nay, nhiều DN không biết cách thức tổ chức, hoạt động, không biết tổ chức họp như thế nào, phải lập biên bản ra sao, họp thế nào là hợp lệ, biểu quyết thế nào mới có hiệu lực, cũng không biết lập các quyết định, các nghị quyết như thế nào cho đúng… Đáng lo là DN không biết những vấn đề hình thức này có thể gây ra hậu quả pháp lý rất lớn, ví dụ như các quyết định bị vô hiệu…

Chương trình 585 cần mở nhiều lớp tập huấn cho DN. Nếu không, chỉ vài năm nữa sẽ xảy ra nhiều tranh chấp từ các cuộc họp, đại hội, biên bản, quyết định… không đúng chuẩn này.

Ông PHAN THÔNG ANH, Trưởng Văn phòng đại diện tại TP.HCM của CLB Pháp chế DN – Bộ Tư pháp

QUỲNH NHƯ
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam