Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá cá tra – Doanh nghiệp nên nhìn lại mình
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp xuất khẩu

Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 6 và đe dọa sẽ áp thuế chống bán phá giá lên đến 136% đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Như vậy, các nhà xuất khẩu sẽ phải trả một khoản tiền thuế nhiều hơn so với doanh thu xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ. Như vậy, nhiều nhà chế biến cá tra xuất khẩu nói rằng họ sẽ không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ nếu các mức thuế mới được phê chuẩn vào tháng 3 tới

Hiện nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đang đấu tranh với quyết định của DOC, các luật sư đang giúp VASEP chuẩn bị một báo cáo nhằm “chỉ ra việc tính toán của DOC về mức thuế đối với cá tra Việt Nam là dựa trên dữ liệu không chính xác.”.

Đây không phải là lần đầu tiên VASEP có hành động pháp lý trong các vụ tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, vấn đề đặt ra là vụ này ngành thủy sản Việt Nam sẽ tốn kém bao nhiêu và sẽ nhận lại được cái gì? Khi các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đấu tranh nghĩa là họ không nhận trách nhiệm thuộc về mình và tiếp tục bán với mức giá thấp như hiện nay.

Vì bất cứ lý do gì, chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan của họ sẽ ra mặt nhằm chống lại việc cho phép cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Ngay cả khi vụ tranh cãi mới này được giải quyết có lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam thì sớm muộn cũng sẽ có một trở ngại khác xuất hiện trên con đường của họ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cá tra Việt Nam tin rằng họ sẽ vượt qua tất cả các trở ngại, kể cả việc trước đây không cho phép gọi cá tra là “catfish” nhưng đến nay lại bắt gọi cá tra là “catfish”.

Dường như các nhà xuất khẩu Việt Nam đang xem xét hành động trả đũa và có khả năng gây ra một cuộc chiến thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch VASEP- cho biết: “Trong trường hợp xấu nhất, nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế không công bằng này, rất có thể chúng tôi sẽ đưa ra một hành động tương tự bằng cách không nhập khẩu thực phẩm gia súc gia cầm từ Hoa Kỳ. Trong khi hiện nay Hoa Kỳ là nhà cung cấp thực phẩm gia súc gia cầm lớn nhất của Việt Nam”.

Theo đại diện một nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại Đồng Tháp, năm 2005, giá xuất khẩu cá thành phẩm là 3 USD/kg, trong khi giá cá nguyên liệu là 12.000 đồng/kg. Đến năm 2010 giá bán chỉ còn 2,4 USD nhưng giá cá nguyên liệu lại tăng lên 15.800 đồng/kg.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ở đa số các thị trường, họ chấp nhận mức giá 3 USD/kg, họ cần chất lượng, sự đa dạng với nhiều loại sản phẩm, mẫu mã bao bì. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cá Việt Nam thay vì phân tích lại chiến lược của mình thì quay sang đổ lỗi cho phía đối tác và tiếp tục cạnh tranh bằng cách hạ giá bán. Sự suy giảm mức giá liên tục qua nhiều năm là một tổn thất lớn về thương hiệu, tài sản chung của Việt Nam. Đây là điểm yếu của ngành mà các nhà xuất khẩu là người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Trước khi trách người nên tự trách mình


Tại sao trong số hàng chục doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra phi-lê sang thị trường Hoa Kỳ thì số doanh nghiệp sẽ bị áp chống bán phá giá chỉ khoảng 5- 6 đơn vị?! Câu trả lời là chính bởi hệ quả của cuộc giành giật thị phần giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau trên thị trường Hoa Kỳ bằng phương pháp hạ giá bán, dù có chung nguồn nguyên liệu.

Chính những người Hoa Kỳ quan tâm đến lợi ích của cá tra Việt Nam đã từng khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên bán giá cao hơn, theo mặt bằng chung của thị trường. Bỏ qua những lời khuyên chân tình này, các doanh nghiệp này tiếp tục hạ giá bán để gia tăng thị phần, giành giật thị phần của nhau. Tệ hại hơn nữa, để lôi kéo khách bằng mọi giá, các doanh nghiệp này đã ép giá mua nguyên liệu của những người nông dân “tay lấm chân bùn” quê mình để bán với giá rẻ.

Hậu quả là, trong một khoảng thời gian dài, hơn 40% ao nuôi cá tra ở ĐBSCL bị “treo” vì giá bán của người dân không đủ bù đắp chi phí. Nhiều doanh nghiệp và nông dân nuôi cá tra phải rời bỏ ngành. Éo le hơn, cá tra Việt Nam bị cho là bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ.

Tăng giá xuất khẩu cá tra- giải pháp cấp bách


Hiện nay, cá tra đang ở giai đoạn điều chỉnh mang tính chu kỳ trong quá trình phát triển của ngành. Đó là quá trình sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém, nhưng cũng rất cần những hỗ trợ từ phía chính phủ để bảo vệ các nền tảng cơ bản của ngành- đó là vùng nuôi và những người nuôi cá tham gia trong chuỗi giá trị.

Không có vùng nuôi tốt và những người nuôi cá đầy năng lực thì sẽ không có cá để chế biến, xuất khẩu. Những người nuôi cá cần được hỗ trợ không chỉ là kỹ thuật nuôi cá, mà còn phải nâng ý thức về cộng đồng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, về trách nhiệm xã hội, về sử dụng lao động… để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành cá.

Mặc dù, có các rào cản mới ở một số nước nhưng triển vọng của ngành cá khá vững chắc, không có dấu hiệu nào về sự đi xuống của thị trường tiêu thụ. Ngay cả các biện pháp áp thuế phá giá vừa đưa ra tại Hoa Kỳ cũng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng ở thị trường lớn đó đang gia tăng. Các biện pháp an toàn thực phẩm tuy có gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu, nhưng đó thực ra là một phần trong thực hiện chiến lược khác biệt hóa, làm tăng thêm lợi thế cạnh tranh mà các công ty cần vượt qua.

Về mục tiêu của ngành cá tra, nên chăng cần thay đổi kim ngạch bao nhiêu tỷ USD thành mức giá xuất khẩu được nâng lên hay duy trì ở mức bao nhiêu USD. Bởi vì, nếu giá xuất khẩu duy trì được ở mức bình quân 3 USD/kg thì mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của ngành cá tra đã tăng 500- 600 triệu USD với cùng mức sản lượng đã đạt được trong mấy năm qua. Ở mức giá 3 USD/kg thì lợi ích tối thiểu các bên trong chuỗi giá trị cá- nông dân, doanh nghiệp chế biế, nhà xuất khẩu – mới được đảm bảo. Với mức đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ vượt qua con số 2 tỷ USD, và lên đến 4 – 5 tỉ USD trong nhiều năm tới nhờ tiến bộ công nghệ và vùng nuôi được mở rộng.

Cần xây dựng thương hiệu và nhiều phân khúc sản phẩm của từng công ty để tạo nên sự khác biệt, thay cho chiến lược cạnh tranh bằng giá hiện nay. Quản lý nhà nước cũng phải có những qui định áp dụng đảm bảo cho sự phát triển bền vững, đảm bảo cân bằng lợi ích các bên và xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam.

Nguồn: Báo điện tử Công thương