Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp, người dân

Từ ngày 1.7.2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (sau đây gọi là Luật Quản lý thuế sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Theo đó, có 38 vấn đề sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực quản lý thuế nội địa trên tổng số 120 Điều của Luật hiện hành.

Đáng chú ý, Luật Quản lý thuế sửa đổi tập trung cải cách thủ tục hành chính về thuế. Theo đó, giảm kỳ khai thuế giá trị gia tăng 12 lần xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ và vừa; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc. Người nộp thuế chỉ phải nộp duy nhất một bộ hồ sơ và cũng không phải gửi cho cơ quan thuế “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế. Thời hạn hoàn thuế đối với trường hợp “kiểm trước, hoàn sau” giảm từ 60 ngày xuống còn 40 ngày, trường hợp “hoàn trước, kiểm sau” từ 15 ngày xuống còn 6 ngày. Việc cơ quan thuế kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không còn dựa hồ sơ khai thuế và giải trình của người nộp thuế mà được thực hiện theo tiêu thức đánh giá rủi ro, theo chuyên đề, kế hoạch hàng năm và kiểm tra được thực hiện không quá 1 lần trong năm. Thời hạn truy thu thuế là 10 năm thay vì trước đây là 5 năm kể từ ngày kiểm tra phát hiện.

Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi theo hướng có lợi cho mọi doanh nghiệp, riêng doanh nghiệp nhỏ được giảm mức đóng góp để có thêm nguồn lực tài chính đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Từ ngày 1.7.2013, áp dụng thuế suất 20%, thay vì là 25% đối với doanh nghiệp, kể cả Hợp tác xã có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Việc giảm thuế suất đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ là một bước thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020, bởi đây là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn, cũng là loại hình doanh nghiệp thu hút phần lớn lực lượng lao động, tạo việc làm cho xã hội cũng là nhằm tạo điều kiện hình thành, phát triển thành doanh nghiệp lớn trong tương lai…  Cũng theo Luật này, đến năm 2014 sẽ nới rộng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%. Bên cạnh việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông, Luật đã bổ sung lĩnh vực ưu đãi về thuế suất, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng đã bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế và chuyển lỗ đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và một số khoản thu nhập có tính chất tương tự.

Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung lần này đã có sự thay đổi lớn về mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc. Theo đó, mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (mức cũ là 4 triệu đồng) và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng (mức cũ là 1,6 triệu đồng). Với mức giảm trừ này thì một cá nhân có 1 người phụ thuộc, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, trước đây nộp thuế 220.000 đồng/tháng thì nay sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tương tự, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện cho thị trường bất động sản vận động và hỗ trợ người có thu nhập thấp về nhà ở. Theo đó, áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% đối với các hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở từ ngày 1.7.2013; giảm 50% mức thuế suất từ ngày 1.7.2013 đến hết ngày 30.6.2014 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Tiếp tục hoàn thiện các luật thuế hiện có

Công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Vì vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thuế là hết sức cần thiết.

Đối với Luật Thuế nhập khẩu cần thu hẹp đối tượng miễn giảm thuế. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cần thu hẹp các khoản ưu đãi thuế, cần bổ sung quy định về chuyển giá để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình chuyển giá trong nước, cần bổ sung quy định liên quan đến biện pháp cưỡng chế về thuế và ân hạn nộp thuế với hàng nhập khẩu.

Trong quản lý thuế, cơ quan thuế không thể nắm bắt được toàn bộ các kiến thức chuyên ngành thuộc lĩnh vực khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế nên cần có một hội đồng tham vấn cho người ra quyết định xử lý. Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết cho phép sử dụng những thông tin được cung cấp từ ngoài nước trong việc thanh tra chống chuyển giá nhưng thực tế ở Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào cho phép sử dụng hợp pháp và công khai các thông tin này. Ngoài ra cũng cần bổ sung các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế gồm các đại diện tại Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động chống chuyển giá.   

Để triển khai hoạt động kê khai thuế điện tử, ngoài các phương tiện liên quan đến các vấn đề về kỹ thuật như an toàn bảo mật… và các tổ chức thực hiện các dịch vụ chứng thư điện tử, cấp chữ ký điện tử của các bộ phận liên quan, Bộ Tài chính cũng cần ban hành thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế… Ngành thuế cũng cần chuẩn hóa các quy trình mẫu biểu kê khai thuế để đưa lên mạng, phát hành sách hướng dẫn đăng ký thuế điện tử, sách hướng dẫn công tác kiểm toán và đánh giá hành vi chuyển giá.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân