Kích cầu chưa hiệu quả với một số ngành sản xuất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gần đây, khi đánh giá hiệu quả của chính sách hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn cho các hợp đồng tín dụng được triển khai từ đầu năm 2009, có ý kiến cho rằng, nguồn tiền đổ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không hoàn toàn được như mong đợi.

Bên cạnh đó, ý kiến vẫn còn khác nhau về việc nên hay không nên chấp nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất này cho mục tiêu đảo nợ.

Trên thực tế, nếu nhìn vào khía cạnh đảm bảo ổn định, tránh nguy cơ đổ vỡ một số thị trường (được cảnh báo vào cuối năm ngoái), có thể nói, khoản ngân sách dành cho hỗ trợ lãi suất đã làm tốt vai trò “cấp cứu”, tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp và ngân hàng giảm nợ xấu, vực dậy một số doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản…

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới còn diễn biến khó lường, thì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giải quyết công ăn, việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Những ý kiến khác nhau về hiệu quả của gói kích cầu có thể xuất phát từ việc thiếu một tiêu chí thống nhất để đánh giá hiệu quả các gói kích cầu.

Hơn thế nữa, nếu gói kích cầu này đã và đang đem lại hiệu quả nhất định cho các mục tiêu đề ra thì giới phân tích kinh tế cho rằng, điều này khó có thể lặp lại đối với gói kích cầu mới, nhất là khi so với thời điểm đầu năm 2009, một số điều kiện kinh tế đã thay đổi.

Những tín hiệu ấm lên trong hoạt động của một số ngành, lĩnh vực đã được nắm bắt cho dù vẫn có một số nghi ngại nhất định. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và một số lĩnh vực như bán buôn, nông nghiệp, tài chính – ngân hàng, vận tải, viễn thông… được đánh giá là đã qua giai đoạn xấu nhất.

Thế nhưng, các ngành sản xuất, chế tạo, xây dựng, khai khoáng lại có vẻ chưa tìm được lối ra. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là những lĩnh vực rất cần được quan tâm trong quá trình thực hiện chính sách kích cầu.

Ngoài ra, một số giải pháp kích cầu hiện chưa thực sự phát huy hết tác dụng. Cơ chế bão lãnh tín dụng xuất khẩu thực hiện chưa đáng kể; bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn rào cản; chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc, nông cụ dù được đánh giá rất cao về tính thực tiễn, song cũng chưa đến được hết các đối tượng cần hỗ trợ…

Đối với khoản hỗ trợ lãi suất 4% dành cho đầu tư mới và phát triển hạ tầng trong vòng 2 năm (chính thức bắt đầu tháng 4/2009), nhưng dường như yếu tố “cấp cứu” còn “vấn vương” với gói chính sách này do mục tiêu thời hạn vẫn nặng hơn mục tiêu tái cơ cấu đầu tư, đổi mới công nghệ.

Đây là một trong những lý do của đề nghị tăng mức lãi suất hỗ trợ đối với các khoản vay vốn trung và dài hạn cùng với bộ tiêu chí để xác định doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, đảm bảo các nguồn vốn hỗ trợ đến đúng địa chỉ một cách minh bạch, công khai và công bằng.

Tình hình chậm giải ngân các nguồn vốn đầu tư cũng là vấn đề khi guồn vốn đầu tư của tư nhân, kể cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chiều hướng tiếp tục giảm. Điều đáng nói là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, mặc dù được các địa phương, các ngành coi là trọng tâm của hàng loạt kế hoạch hành động, nhưng tốc độ giải ngân vẫn chậm bởi mới có khoảng 80% nguồn vốn đầu tư nhà nước của năm 2008 được giải ngân.

Chính vì vậy, áp lực còn lại đối với năm 2009 là rất lớn. Trước đòi hỏi phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, không thể để một lượng vốn kích cầu phải nằm chờ trong các công trình, dự án có “tốc độ rùa”.

Đồng thời, khi một số thị trường đã ấm dần lên và điều kiện kinh tế đã thay đổi, cũng cần tính tới các giải pháp kích cầu mới, mang tính dài hạn, phù hợp với thực tế và hiệu quả hơn.

Theo Bảo Duy
Đầu tư