Kích cầu… Made in Việt Nam!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

KÍCH CẦU HAY KÍCH CUNG?

Như mọi người đã biết, “cầu” khi được sử dụng trong cụm từ “kích cầu”, là chỉ yêu cầu (hay nhu cầu) về hàng hóa trong quan hệ với khả năng cung cấp trên thị trường. Từ đó, khoa học kinh tế có khái niệm về quan hệ cung – cầu, quy luật cung – cầu… Nhu cầu về hàng hóa trên thị trường phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố, trong đó, quan trọng nhất là khả năng thanh toán của người mua. Khả năng thanh toán lại bị phụ thuộc vào lượng tiền làm phương tiện lưu thông được sử dụng để thỏa mãn nhu cầu đó. Vì vậy, khoa học kinh tế lại chia ra: nhu cầu tiềm tàng và nhu cầu có khả năng thanh toán. Có liên quan chặt chẽ đến khả năng cung ứng hàng hóa trên thị trường không phải là nhu cầu tiềm tàng, mà là nhu cầu có khả năng thanh toán.

Từ vài dòng tóm lược về cung – cầu nêu trên, ta thấy, kích cầu tức là kích thích nhu cầu tiêu thụ hàng hóa (Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Viện Ngôn ngữ học, năm 2002, trang 463). Tương tự, kích cung tức là làm tăng khả năng cung ứng hàng hóa trên thị trường. Các giải pháp để kích cung và các giải pháp kích cầu hoàn toàn khác nhau. Kích cung được sử dụng khi cung nhỏ hơn cầu và bao gồm những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhằm cung cấp nhiều hàng hóa hơn nữa cho thị trường. Kích cầu được sử dụng khi nhu cầu có khả năng thanh toán nhỏ hơn cung và bao gồm những giải pháp làm tăng nhu cầu có khả năng thanh toán để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiêu thụ được hàng hóa đang dư thừa. Đối tượng cần tác động của kích cung là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Ngược lại, đối tượng của kích cầu lại phải là những người mua hàng, trong đó, đặc biệt quan trọng là cộng đồng dân cư, những người làm công ăn lương và một số dự án đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước hoặc các dự án đang tạm dừng do thiếu vốn.

Các giải pháp của Chính phủ được áp dụng trong thời gian vừa qua được gọi với tên là “Kích cầu” bao gồm:

– Thông tư số 03/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 của Bộ Tài chính về giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ;

– Thông tư số 13/2009/TT-BTC ngày 22/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giảm thuế GTGT đối với một số hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn theo Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

– Quyết định số 131/2009/QĐ- TTg ngày 23/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh;

– Quyết định số 443/2009/QĐ – TTg ngày 04/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Những giải pháp nêu trên là kích cầu hay kích cung?

Trước hết, việc giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh có đối tượng hỗ trợ trực tiếp là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Những biện pháp này khuyến khích các doanh nghiệp tiến hành sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng hàng hóa ra thị trường. Vì vậy, đó là những giải pháp kích cung.

Thứ hai, việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn thực chất cũng không thể được gọi là kích cầu. Bởi lẽ, đối tượng được hưởng là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khi bán hàng.

Thứ ba, hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung dài hạn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng không thể gọi là kích cầu vì đối tượng được hưởng vẫn là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và, quan trọng hơn là, hiện nay rất ít dự án mới được triển khai.

Trong các giải pháp về thuế đã được thực hiện, việc giãn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân theo Thông tư số 27/2009/TT-BTC ngày 6/2/2009 của Bộ Tài chính, tuy không thuộc nội dung phục vụ kích cầu song lại được coi là có tác dụng đối với kích cầu. Tuy nhiên, số thuế thu nhập cá nhân được giãn nộp không tác động nhiều đến khả năng thanh toán vì số người có thu nhập dưới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân chiếm tỷ trọng khá lớn.

Cũng có ý kiến cho rằng, áp dụng các giải pháp kích cung tức là kích cầu một cách gián tiếp. Điều đó có thể đúng trong điều kiện một nền kinh tế phát triển bình thường, nhưng không đúng trong điều kiện đang cần cứu vãn sự suy thoái của nền kinh tế, khi cung đang lớn hơn cầu.

Tổng hợp và phân tích các biện pháp kích thích nền kinh tế ở các nước phát triển, loại trừ những biện pháp cấp cứu cho thị trường tài chính như hàng nghìn tỷ đôla mà Mỹ đã rót vào các Ngân hàng, những biện pháp được gọi là “kích cầu” bao gồm:

– Tập trung kích thích nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thông qua việc tăng khả năng thanh toán trong toàn xã hội. Chẳng hạn, ở Đài Loan, Chính phủ cấp phiếu mua hàng không phải trả tiền cho nhân dân với mức bình quân mỗi người 3.600 Đài tệ (bằng khoảng 2 triệu VND); Chính phủ Mỹ hoàn lại tiền thuế cho nhân dân với mức bình quân mỗi người 600 USD; Pháp chi bằng tiền cho nhân dân mỗi người 500 Euro; Cộng hòa Liên bang Đức thưởng cho người thay xe ô tô cũ đã sử dụng đến 9 năm mỗi người 2.500 Euro, v.v… Biện pháp đó giúp cho hàng hóa đang tồn kho của các doanh nghiệp tiêu thụ được và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong kinh tế thị trường, khi có cầu ắt có cung. Do đó, nếu đã kích cầu đạt kết quả, không nhất thiết phải kích cung.

– Kích cầu kết hợp với kích cung, tức là kích thích tiêu thụ và kích thích cả sản xuất để tăng khả năng cung ứng hàng hóa ra thị trường. Song, với giải pháp này, việc kích cầu phải đi trước một bước, sau đó mới thực hiện các giải pháp kích thích sản xuất.

Không một quốc gia nào chỉ áp dụng giải pháp kích cung thuần túy. Bởi lẽ, khi hàng hóa đang dư thừa, chỉ kích cung thuần túy là “kích ngược”. Về cơ bản, các quyết sách của ta vừa qua phần lớn chỉ kích cung mà rất ít kích cầu. Thậm chí, đang trong thời kỳ phải kích cầu, Nhà nước, với những lý do vô cùng thuyết phục, lại tăng giá điện, giá một số dịch vụ… làm cho khả năng thanh toán đã yếu lại càng yếu hơn. Vì lẽ đó, những giải pháp kích cầu dường như chỉ riêng có ở Việt Nam, nên chăng có thể và cần đóng mác “Kích cầu…made in Việt Nam”!

TÁC ĐỘNG VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Cho đến nay chưa có bất kỳ tài liệu nào chứng minh có sức thuyết phục về tác động của các giải pháp “kích cầu” đã áp dụng. Song, phân tích từ diễn biến thực tế có thể thấy: Những giải pháp đã và đang áp dụng có tác dụng rất hạn chế, chưa nhằm trúng vào mục tiêu “kích cầu” và có thể còn gây ra những tác động tiêu cực tới thị trường tài chính, tiền tệ trong thời gian tới:

Thứ nhất, giải pháp giảm, gia hạn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (là thuế trực thu), chỉ quyết toán vào cuối năm tài chính và đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hơn nữa, trong bối cảnh hàng hóa ế ẩm, rất ít doanh nghiệp kinh doanh có lãi, nên số tiền tạm thời “nhàn rỗi” do được giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp cũng vừa không có thực, mà nếu có, cũng không đáng kể.

Thứ hai, giảm thuế giá trị gia tăng, về lý thuyết là để hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trên thị trường có giá thấp. Song, việc xác định giá bán hàng hóa trên thị trường thuộc quyền của người bán. Do đó, không phải trường hợp nào giảm thuế cũng đồng nghĩa với việc giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Hơn nữa, khi trong túi không có tiền hoặc có quá ít tiền thì dù giá cả hàng hóa, dịch vụ có giảm đi với tỷ lệ lớn, người tiêu dùng cũng khó có thể mua, sắm (ngoại trừ những hàng hoá tất yếu, có độ co dãn thấp và giá cả độc quyền).

Thứ ba, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vay vốn lưu động của ngân hàng để sản xuất kinh doanh thì đối tượng được hưởng lợi cũng là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Trong 3 tháng đầu năm 2009, doanh số cho vay ra tăng trưởng 10%, trong khi dư nợ (tín dụng ròng) ra nền kinh tế chỉ chưa đầy 4%. Hàng loạt những câu hỏi chưa có câu trả lời như: Có hay không việc vay vốn từ chương trình hỗ trợ lãi suất để đảo nợ? Có hay không việc sử dụng vốn vay từ chương trình này vào việc mua chứng khoán, và/hoặc đầu cơ khác? Nếu những điều đó là có thật với một tỷ lệ đủ lớn thì hậu quả đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ là vô cùng nghiêm trọng trong tương lai gần vì phải đối mặt với rủi ro tín dụng dưới chuẩn như đã diễn ra ở Mỹ mà cả thế giới đã và đang phải hứng chịu!

Thứ tư, tác động của giải pháp hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung dài hạn ngân hàng thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng rất hạn chế trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, ít có chủ doanh nghiệp dám mạo hiểm vay vốn ngân hàng trung và dài hạn để đầu tư cho một dự án khi thị trường tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ trầm lắng. Kích cầu thông qua đầu tư chỉ thực sự có ý nghĩa khi triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học… bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc cho vay để cứu các dự án đầu tư của các doanh nghiệp đang tạm dừng vì thiếu vốn. Các dự án này sẽ là nơi tiêu thụ các vật tư, hàng hóa đang bị tồn kho hiện nay như sắt, thép, xi măng… và thu hút một lượng lao động đáng kể. Đó cũng được hiểu là “cầu tiêu dùng cho sản xuất” khi và chỉ khi sản xuất có đầu ra chắc chắn, rõ ràng.

Thứ năm, toàn bộ qui trình kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá việc thực hiện các giải pháp kích cầu đã không được thiết kế và vận hành một cách đồng bộ. Ai có thể đảm bảo và chịu trách nhiệm về các thất thoát, lãng phí nảy sinh một cách tự nhiên từ cơ chế “xin-cho”. Trong điều kiện bình thường, chúng ta đã rất khó khăn để đối phó với tham nhũng, trong điều kiện “nới lỏng” như hiện nay, liệu tham nhũng có giảm bớt hoặc tự nhiên “mất đi” được không?

CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Chính phủ tiếp tục công bố gói kích cầu thứ 2 lên tới 8 tỷ USD, một con số không nhỏ với nền kinh tế nước ta. Đây chắc chắn không phải là những tuyên bố ngẫu hứng mà là một cam kết và quyết tâm lớn, một quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, để tạo dựng niềm tin cho cộng đồng và đặc biệt, để bảo đảm chi tiêu có hiệu quả, đúng lúc, đúng người, đúng chỗ những đồng tiền quý giá của dân trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi cho rằng, có một loạt việc cần được triển khai một cách khẩn trương và đồng bộ.

Thứ nhất, cần đánh giá và rút kinh nghiệm ngay việc thực hiện gói kích cầu 1 tỷ USD: Bao nhiêu doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất để đưa vào sản xuất kinh doanh? bao nhiêu lao động không bị mất việc nhờ các giải pháp kích cầu? Bao nhiêu mặt hàng giảm giá bán lẻ nhờ giảm 50% thuế giá trị gia tăng? bao nhiêu doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và số tiền đó là bao nhiêu? Bao nhiêu dự án được đầu tư mới?… Và quan trọng hơn cả là những bài học gì cần rút ra cho việc thực hiện các giải pháp tiếp theo?

Thứ hai, cần đảm bảo gói kích cầu thứ 2 được thiết kế một cách có chủ đích, có tính toán cẩn trọng, với đúng nghĩa “kích cầu”. Từng nhóm giải pháp cần được luận cứ cụ thể, có cơ chế vận hành cụ thể, bảo đảm tính minh bạch cho mỗi đồng tiền chi ra và dự liệu cả các tác động tích cực lẫn những rủi ro có thể phát sinh. Chỉ có như vậy, các giải pháp mới phát huy được tác dụng tối đa, cả về lợi ích kinh tế, quan trọng hơn, tạo dựng lòng tin vào cách thức quản trị và điều hành của các cơ quan chính phủ.

Thứ ba, cần vận hành quyết liệt hệ thống giám sát, theo dõi đánh giá việc thực hiện các giải pháp kích cầu. Mỗi đồng tiền chính phủ chi tiêu đều là tiền ngân sách. Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thanh tra, giám sát và cả cộng đồng cần vào cuộc và có cơ chế rõ ràng để vào cuộc. Dứt khoát ngăn chặn xu hướng “đục nước béo cò” hoặc tạo tâm lý dễ dãi sinh ra tuỳ tiện. Không thể vin cớ “khó khăn”, “cấp bách” mà loại trừ các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cuối cùng, bên cạnh các giải pháp cấp bách nói trên, cần đầu tư thoả đáng cho việc nghiên cứu và xây dựng các phương án dài hạn hơn, khởi động các bước đi cần thiết để thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi cơ bản cơ cấu và thể chế, chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển của đất nước sau khủng hoảng.

Nguồn: N.Q.L