Khó quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay, các loại hình nghệ thuật nở rộ, trò chơi điện tử, dịch vụ karaoke, kinh doanh băng, đĩa… phát triển mạnh. Ngành văn hóa vừa nỗ lực đổi mới phương thức tổ chức các loại hình văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, đồng thời tăng cường quản lý để hạn chế những hành vi vi phạm, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2001, thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành chức năng các địa phương tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa. Qua kiểm tra, đã thu giữ nhiều đĩa ca nhạc, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát theo quy định; yêu cầu tháo dỡ các băng rôn không có giấy phép quảng cáo; xử phạt vi phạm hành chính nhiều cơ sở kinh doanh karaoke… Nhờ tăng cường quản lý, hoạt động của các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa gặp không ít khó khăn, thách thức. Đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, sau 4 năm tạm ngừng, Nghị định 103/2009/NĐ-CP quy định từ 1.1.2010 các tỉnh, thành được tiếp tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh theo đúng quy định; đồng thời quy định khá rõ điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, trách nhiệm của chủ kinh doanh vũ trường, karaoke. Theo đó, việc kinh doanh karaoke, phòng hát phải có diện tích từ 20m2 trở lên, cửa phòng phải là cửa kính không màu, không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt các thiết bị báo động để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng; địa điểm kinh doanh karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên và không được phép hoạt động sau 12h đêm đến trước 8h sáng…  Tuy nhiên, không ít cơ sở có biểu hiện vi phạm và tìm mọi cách đối phó, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng.

Công tác quản lý hoạt động lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khó kiểm soát tình trạng bán băng đĩa trôi nổi, ngoài luồng. Trên thị trường hiện nay, tỷ lệ băng đĩa in sao chiếm tới 50%, với công nghệ in sao đơn giản, đầu tư không lớn nhưng thu lợi nhuận cao nên các chủ cửa hàng kinh doanh băng đĩa tiếp tục vi phạm. Băng đĩa hiện được bán rong tràn lan tại các chợ, nhưng công tác kiểm tra, xử lý không đơn giản, vì thẩm định nội dung vi phạm khó khăn, mất nhiều thời gian, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra không thực hiện được thường xuyên mà thường tổ chức theo từng đợt. Khi nắm được thông tin các đại lý nhanh chóng cất giấu băng đĩa in sao lậu, trưng bày băng đĩa có tem nhãn. Quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng không trực tiếp xử phạt ngay tại thời điểm kiểm tra mà chỉ được lập biên bản, thu giữ băng đĩa, sau quá trình thẩm định nội dung vi phạm mới tiến hành các biện pháp xử phạt cụ thể. Nhiều trường hợp chủ cửa hàng đã bỏ hàng hóa không đến để giải quyết những vi phạm trong kinh doanh băng đĩa, chủ yếu là vi phạm về bản quyền tác giả.

Cùng với sự bùng nổ thị trường băng đĩa lậu là sự phát triển ồ ạt các đại lý kinh doanh dịch vụ Internet công cộng và trò chơi điện tử. Bên cạnh những tiện ích, xung quanh những điểm kinh doanh dịch vụ Internet và trò chơi điện tử vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Phần lớn khách hàng trong độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, truy cập mạng để chát hoặc chơi game, nhiều trò chơi bạo lực hoặc bị biến tướng thành nạn cờ bạc, cá độ gây mất trật tự an ninh công cộng. Nếu không có sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ, vô hình trung, các điểm Internet công cộng trở thành nguồn cung cấp những trang web “đen”, những thông tin thiếu lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ. Lĩnh vực quảng cáo cũng lộn xộn, nhất là nạn rao vặt bằng hình thức dán hoặc sơn lên tường tại những nơi công cộng và khu dân cư, gây mất mỹ quan đô thị… 

Thực tế trên cho thấy, để hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa đi vào nề nếp, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, phát động phong trào người dân ở cơ sở đấu tranh, tố giác với cơ quan chức năng về những biểu hiện và hành vi vi phạm để kịp thời xử lý nghiêm minh. Đặc biệt, lực lượng chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp tái phạm.

Lê Hiếu
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân