Khó tăng xuất khẩu năm 2013
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Mất uy tín vì chụp giật

Ông Nguyễn Trung Dũng- Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, trong thời gian qua, hàng xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản vướng phải vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ yếu trong thuỷ sản, đặc biệt là dư lượng chất Ethoxyquin trong tôm.

Do đó thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản thường bị kiểm tra 100%, với tỉ lệ trả về nhiều và gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp. Theo ông Dũng tuy việc trả về này có xu hướng giảm nhưng ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Dũng cho biết, ngoài lý do là các quy định kỹ lưỡng của Nhật Bản về hàng hoá, thì bản thân doanh nghiệp Việt Nam chưa cố gắng khắc phục chất lượng sản phẩm. Thậm chí, có thông tin một vài doanh nghiệp Việt Nam đã mua lại thuỷ sản của Ấn Độ vừa bị Nhật Bản trả về, ông không rõ liệu những lô thuỷ sản này sau đó có được doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu lại Nhật Bản hay không.

Còn ông Vũ Cường- Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar cho hay Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, và có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này sang Myanmar.

Tuy nhiên, ông Cường cho hay nhiều doanh nghiệp than rằng giá trị xuất khẩu sang Myanmar không cao như trước kia vì khách hàng Myanmar nhập hàng rẻ hơn từ các nước khác. “Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar còn nhỏ, nên chưa thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam để vận chuyển hàng trực tiếp cũng như chưa tận dụng được vận tải hai chiều, mất thời gian và chi phí cao. Ngoài ra, hàng hoá Việt Nam tại thị trường này bị cạnh tranh từ hàng biên mậu”, ông nói.

Theo ông Vũ Cường, nếu doanh nghiệp tập trung hơn vào hoạt động làm thương hiệu, tiếp thị thì sẽ ít bị cạnh tranh với hàng giá rẻ. Nhưng do chưa có cái nhìn dài hạn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa dám đầu tư tại Myanmar, chưa có đại diện, không mở kho hàng, không có phòng trưng bày hàng hoá tại đây, đặc biệt khi bất động sản tại Myanmar đang có giá rất cao.

Hiện ở Việt Nam thừa nhiều hàng hoá do tiêu thụ trọng nước khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp đã nhờ thương vụ tại Myanmar giúp đỡ xuất khẩu hàng hoá. Ông Cường phê phán cách làm này mang tính chụp giựt và thiếu bài bản, chứng tỏ các doanh nghiệp chưa thật sự xem trọng thị trường Myanmar, do đó không thể kinh doanh tốt tại đây. 

“Còn có một vài trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu quốc gia của Việt Nam như một số doanh nghiệp Việt Nam mua hàng Trung Quốc rồi vờ như đó là hàng Việt rồi xuất sang Myanmar”, ông kể.

Cơ hội cần được tận dụng

Theo ông Trần Tuấn Anh- Thứ trưởng Bô Công Thương, để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2013 dự kiến tăng trưởng 10%, Việt Nam cần nhận diện những khó khăn và cơ hội trong 2013 để có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Khó khăn đầu tiên cho xuất khẩu 2013 của doanh nghiệp Việt Nam nằm trong khâu phát triển thị trường, tìm đối tác, đầu ra. Hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều đối mặt những vấn đề nội tại trong 2013 làm suy giảm sức mua, tăng hàng rào cản kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu.

Nhưng theo ông Tuấn Anh, xuất khẩu vẫn còn nhiều cơ hội trong năm 2013 do các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản đã và đang tung ra các gói kích cầu tiêu dùng, gián tiếp tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu. Nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hoá mới như điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, sản phẩm cơ khí, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị sẽ có nhiểu khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Trung Dũng- Tham tán thương mại tại Nhật Bản thông báo tin vui sau nhiều năm Nhật Bản luôn tự kiểm tra và quyết định chất lượng thủy sản và thực phẩm, Chính phủ Nhật đã chấp nhận các phòng kiểm nghiệm của Việt Nam nằm rải rác ở khắp cả nước.

Quyết định bắt đầu từ ngày 15-3 này nằm trong thỏa thuận về an toàn vệ sinh thực phẩm giữa hai nước. Trước đây, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là tôm, vào Nhật thường hay gặp những vấn đề về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. “Đây là điều kiện rất tốt để chúng ta chủ động trong hoạt động xuất khẩu”, ông nói.

Ông Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tăng cường đối thoại, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản để cùng giải quyết các khó khăn nếu có. Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2013 đạt 29 tỉ đô la Mỹ, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo TBKTSG