Khó xuất khẩu nếu dùng phần mềm lậu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hai bang của Mỹ, gồm Washington và Louisiana, ban hành đạo luật mới về chống cạnh tranh bất bình đẳng (UCA). Cụ thể, theo luật mới này, hành vi sản xuất bằng cách sử dụng các phần mềm ăn cắp hoặc vi phạm bản quyền sẽ được coi là cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp dùng phần mềm hợp pháp.

Theo đó, từ tháng 7-2011, doanh nghiệp xuất hàng qua hai bang này hoặc có hàng hoá được bán tại hai bang này sẽ có nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh tại Mỹ hoặc tổng chưởng lý tại hai bang này kiện. Hậu quả là, nặng nhất, doanh nghiệp có thể bị đưa vào danh sách đen cấm xuất hàng sang Mỹ, hoặc có thể phải bồi thường số tiền bằng hoặc cao gấp ba lần số tiền chi để mua các phần mềm có bản quyền.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online qua thư điện tử, ông Peter Fowler, Tùy viên sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á của Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), xác nhận có hơn 30 bang khác của Mỹ cũng đang ở những giai đoạn khác nhau trong việc ban hành quy định tương tự. 

“Tôi có thể dự đoán rằng đây (luật trên-pv) sẽ là xu thế trong tương lai gần, với hầu như 50 bang của Mỹ và quận Columbia (District of Columbia) và có lẽ cả Puerto Rico và cả quần đảo Virgin thuộc Mỹ (Virgin Islands), có thể sẽ áp dụng luật tương tự”, ông Peter Fowler cho biết.

Do đó, các nhà xuất khẩu từ bất cứ nơi nào xuất hàng vào Mỹ cũng sẽ phải thực hiện luật trên cũng như đối mặt với những rủi ro tiềm tàng, ông nói.

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc bộ phận Sở hữu Trí tuệ, công ty tư vấn luật Baker & McKenzie Việt Nam, cho biết, có khả năng, tiếp sau Mỹ là một số nước khác, như Canada, EU, Nhật Bản cũng đưa ra các quy định tương tự. Ông Hùng cho biết thêm, có thể nhiều doanh nghiệp sử dụng phần mềm hợp pháp trong sản xuất trực tiếp, nhưng lại sử dụng phần mềm không có bản quyền trong các hoạt động gián tiếp khác.

Trên thực tế, khi được hỏi, một số doanh nghiệp dệt may của Việt Nam cho biết họ có xuất hàng sang Mỹ nhưng không xuất hàng trực tiếp sang bang Washington và Louisiana, và họ cũng chưa nhận được yêu cầu gì từ đối tác liên quan đến quy định trên.

Một doanh nghiệp chế biến gỗ lớn ở Bình Dương chuyên xuất khẩu đồ gỗ nội thất đi Mỹ, cũng khẳng định chưa nhận được thông tin của đối tác về việc phải sử dụng phần mềm có bản quyền. Bà này cũng cho biết, trên thực tế, cơ quan chức năng trong nước cũng thường xuyên tổ chức những đoàn thanh kiểm tra vấn đề bản quyền phần mềm trong doanh nghiệp.

Ông Trần Mạnh Hùng cảnh báo, dù đối tác không yêu cầu, thì khi xuất hàng sang các bang của Mỹ hoặc có hàng được bán tại các bang này, doanh nghiệp vẫn có nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh kiện và có thể bị cấm xuất hàng sang Mỹ.

Hiện Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, nhiều nhất là sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ và thủy sản.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online