Khắc phục bất cập trong BHXH cho người lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong 2 năm 2007-2008 trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Tổng số lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc trong năm 2008 tăng 2.032 người, tương ứng với 1,18% so với năm 2007. Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc ở khối hành chính sự nghiệp, cán bộ xã, phường, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều đạt 100%. Tổng số quỹ BHXH thu được năm 2008 tăng 58.369 triệu đồng so với năm 2007.

Tuy nhiên, số đối tượng thực tế tham gia BHXH bắt buộc vẫn thấp hơn so với quy định. Năm 2008, cơ quan BHXH chỉ quản lý được bình quân 81,08% tổng số đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị nợ đọng BHXH và chưa điều chỉnh tăng, giảm BHXH kịp thời. Có đơn vị lách luật, ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng và ký cách quãng thời gian nhằm trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động; Không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động đúng với mức lương họ được hưởng, chỉ tham gia với mức lương tối thiểu theo quy định… Tính đến hết năm 2008, toàn tỉnh còn 124 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền lên đến 19,4 tỷ đồng. Cá biệt, có đơn vị nợ đọng kéo dài 53 tháng, có đơn vị nợ tới 2,9 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng trên do người lao động chưa hiểu biết về luật BHXH để tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Trong khi đó, người sử dụng lao động vì lợi nhuận tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động. Việc quản lý số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn hạn chế, chế tài xử phạt hành vi vi phạm các quy định của luật BHXH chưa đủ mạnh. Mặt khác, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp chưa ổn định, còn thiếu việc làm cho người lao động. Vì vậy, nhiều lao động vì sợ mất việc làm nên không dám đòi hỏi người sử dụng lao động đóng BHXH. Tổ chức công đoàn ở hầu hết các đơn vị ngoài quốc doanh  cũng chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Từ thực tế trên, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp chính quyền trong tỉnh; Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện luật BHXH. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng tổ chức Công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác ở các đơn vị ngoài quốc doanh đủ mạnh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Các cơ quan chức năng cần phối hợp thực hiện tốt hơn cơ chế xác định và quản lý số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhằm quản lý số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trên cơ sở đó, tính được tổng quỹ BHXH phải thu theo luật quy định. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành, phát hiện kịp thời những hành vi lách luật nhằm trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan cần nghiên cứu, ban hành chế tài đủ mạnh để có đủ hành lang pháp lý xử phạt nghiêm những hành vi trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động, hành vi đóng BHXH không đúng với mức lương người lao động được hưởng, hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ lãi xuất phạt chậm nộp BHXH cho phù hợp (bằng hoặc lớn hơn lãi xuất cho vay của ngân hàng) để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH.

Lê Thị Dung
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân