Khai thác khoáng sản: Thay đổi tư duy về quản lý chất thải
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại các vùng nhà sàng than, trạm nghiền đá, trong các lò chợ và các đường lò độc đạo, các vùng khoan nổ mìn, xúc bốc, dọc đường vận tải quặng, đất đá, tỷ lệ các bệnh về đường hô hấp của công nhân mỏ, vùng dân cư lân cận khai trường chiếm tỷ lệ khá cao. Hơn một nửa số người mắc bệnh bụi phổi silic trong toàn quốc, tập trung tại các vùng khai thác mỏ. Ngoài ra, các bệnh khác như viêm phế quản mãn tính chiếm 60%, lao 4-5%…

Tại các vùng khai thác sa khoáng titan ven biển miền Trung, bên cạnh việc bị ảnh hưởng ô nhiễm bụi cát, bụi quặng từ không khí, nguồn nước, cộng đồng dân cư còn bị ảnh hưởng phóng xạ từ khai trường và khu chế biến tinh quặng. Trong quá trình khai thác chế biến, hầu hết các doanh nghiệp chưa cảnh báo và chưa có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho công nhân và cộng đồng đối với nguy cơ nhiễm xạ. Tình trạng quặng để rơi vãi bừa bãi ở các khu vực khai thác, khi vận chuyển hay ở các phân xưởng tuyển quặng là những nguy cơ tiềm ẩn các chất phóng xạ phát tán vào không khí và nguồn nước.

Trong những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương đã gây ra tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới hệ động, thực vật cũng như cuộc sống của người dân địa phương. Hầu hết các nơi khai thác khoáng sản sau khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ), việc hoàn thổ, phục hồi môi trường, cảnh quan hoặc cải tạo những vùng đất bị ảnh hưởng thường không được thực hiện và để lại những hệ quả xấu cho môi trường sinh thái.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đều thực hiện lập Đề án đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng vẫn còn mang tính đối phó, hình thức và hợp lý hóa hồ sơ. Nhiều quy hoạch khoáng sản, kể cả cấp Trung ương (như quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bôxít, titan, crom, mangan…) và các quy hoạch cấp địa phương chưa lập hoặc chưa hoàn thành Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Ở nhiều vùng khai thác khoáng sản cho thấy, ĐTM được lập nhưng công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện tốt, đặc biệt là vai trò tham gia giám sát của các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương còn hạn chế…

Các chuyên gia môi trường cho rằng, để môi trường tại các vùng khai mỏ được đảm bảo, ngoài việc tăng cường giám sát và kiểm tra của cơ quan chức năng, cần có những quy định pháp lý nhằm bổ sung các khiếm khuyết của các văn bản pháp luật như: Tăng cường tính minh bạch, công bố thông tin, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương trong kiểm tra và giám sát việc bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy về quản lý chất thải, coi chất thải nói chung và chất thải từ khai thác khoáng sản nói riêng là nguồn tài nguyên có giá trị. Phát thải càng nhiều, thuế phải nộp càng lớn sẽ buộc các doanh nghiệp phải giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải trước khi thải bỏ trở lại môi trường. Việc lượng giá chất thải sẽ là cơ sở quan trọng cho việc tạo dựng và phát triển một thị trường trao đổi (mua – bán) chất thải, trong đó, chất thải được coi là hàng hóa như các hàng hóa thông thường khác trên thị trường và có các quy định quản lý của Nhà nước đối với thị trường này. Đối với tài nguyên khoáng sản, tư duy này giúp “giải tỏa” sự tích tụ chất thải lớn hiện nay cũng như các vấn đề môi trường “nóng”, cấp bách như là những hệ lụy của nhiều năm bởi tư duy quản lý coi chất thải như là “thứ bỏ đi”.

Thanh Tâm
Nguồn: Báo điện tử Công thương