Khi nào mỗi công dân có 1 mã số gốc?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mỗi ngành một loại mã

Bà Trương Thị Hải Đường, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế, cho biết, sau 15 năm thực hiện cấp mã số thuế, hiện Tổng cục Thuế đang quản lý 18 triệu mã số thuế trên hệ thống mã số thuế mua của nước ngoài có trữ lượng khoảng 1 tỷ mã số. Ngành Bảo hiểm Xã hội cũng đang quản lý tới 56,5 triệu mã số, dự kiến tương lai tăng lên mức 90 triệu.

Thực hiện quản lý trên hệ thống điện tử, nhiều ngành (Giáo dục, Y tế…) đã phải hình thành mã số riêng để phục vụ nghiệp vụ của mình. Dù các hệ thống mã số khác nhau, nhưng về cơ bản mỗi mã số chỉ chứa đựng những thông tin như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ, giới tính…

Tại Diễn đàn cấp cao về CNTT-TT Việt Nam năm 2012 vừa diễn ra mới đây, TS. Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp chia sẻ: “Từ trước đến nay, hầu như các ngành vẫn độc lập làm mã số riêng, không thống nhất, không có khóa (key) thống nhất, như vậy thì sẽ tốn kém, mà không hiệu quả. Đã có hiện tượng cơ quan thuế phát hiện đối tượng khai thuế khai trùng số chứng minh thư nhân dân”.

“Mỗi người trong chúng ta hiện phải nắm giữ quá nhiều giấy tờ từ chứng minh thư nhân nhân, hộ khẩu cho tới thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế – xã hội, bằng cấp… nhưng vấn đề là,  mỗi thẻ lại chứa một mã số khác nhau. Khi một giấy tờ bị mất và được cấp lại, cơ quan quản lý thường cấp mã số mới khiến dữ liệu không khớp với các giấy tờ khác và gây phiền hà cho người dân”, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện trưởng Viện xã hội học, bày tỏ. Còn TS. Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) nhận định rằng, ngành nào cũng làm mã số cho công dân nhưng không biết kết nối thế nào.

Sẽ có thẻ công dân điện tử

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) cho hay quy trình cấp chứng minh thư nhân dân hiện nay vốn được làm thủ công dẫn đến tình trạng trùng lặp, sai số lớn. Chẳng hạn, một người có tới 2-3 số chứng minh thư hay 2-3 người được cấp cùng một số. Do đó, Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông đang phối hợp với các địa phương để thúc đẩy dự án cấp mã số công dân và tiến tới phát hành thẻ công dân điện tử.

Theo đó, mỗi công dân ngay từ khi sinh ra sẽ được cấp mã số công dân chứa các thông tin cá nhân như năm sinh, nơi sinh… Mã số này sẽ được sử dụng suốt đời, đồng thời sẽ là số ID của thẻ công dân điện tử về sau. ID này cũng là mã số trên các giấy tờ cá nhân khác như bằng lái xe, thẻ ngân hàng, thẻ hội viên câu lạc bộ, thẻ bảo hiểm hay hộ khẩu… và được dùng cho tất cả các hoạt động giao dịch của công dân với chính phủ và giữa công dân với nhau.

Thiếu tướng Vệ chia sẻ, dự án số định danh cá nhân sẽ được Bộ Công an triển khai thí điểm tại một số quận ngay tháng 7/2012 để đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng ra toàn quốc.

“Số ID này giúp các cơ quan chức năng dễ dàng thu thập thông tin và quản lý công dân bao gồm tài sản, nhân thân, các khoản nợ ngân hàng… cũng như phục vụ cho việc điều tra dân số chính xác hơn. Trong khi đó, người dân cũng không còn gặp nhiều khó khăn trong việc điền thông tin, khớp giấy tờ mỗi khi thay đổi dịch vụ, chuyển công tác, rời địa bàn cư trú…” – ông Vệ nói.

Bách Nguyễn
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam