Không dễ duy trì tăng trưởng tín dụng như năm 2010
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Do việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi hết sức khó khăn, nên trong những ngày qua, không ít ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi lãi suất tiết kiệm VND, trong đó có cả hình thức tặng vàng, tiền mặt cho khách hàng. Nếu tính cả chi phí khuyến mãi, lãi suất tiền gửi đã cao hơn mức “trần” cho phép 14%/năm. Điều đáng quan tâm hơn là, tình trạng thỏa thuận “ngầm” về lãi suất tiết kiệm vẫn tồn tại trên thị trường.

Lãi suất tiền gửi cao khiến lãi suất cho vay thỏa thuận không những khó giảm theo chủ trương, mà còn nhích dần, vượt quá sức chịu đựng của những người cần vốn. Cụ thể, lãi suất được các ngân hàng cổ phần áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp hiện dao động từ 18 đến 20% và với khách hàng cá nhân lên đến 19-21%/năm. Tuy nhiên, việc vay vốn VND lúc này cũng không dễ, bởi không phải ngân hàng nào cũng có nguồn cung vốn dồi dào trong bối cảnh huy động khó khăn. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết, hiện ngân hàng có sự chọn lọc khá kỹ trước khi cung ứng vốn cho khách .

Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, với mặt bằng lãi suất hiện nay, khách hàng có nhu cầu vốn cũng tỏ ra thận trọng trước khi quyết định vay. Vì thế, tình hình cho vay trở nên khó khăn và tăng trưởng dư nợ tín dụng được dự báo sẽ thấp.

Lãi suất tăng cao khiến những người cần vốn hạn chế dần việc sử dụng vốn vay. Doanh nghiệp sử dụng tối đa nguồn tiền của mình, còn cá nhân cũng e ngại vay vốn. Trước diễn biến của thị trường hiện nay, thắt chặt tiền tệ được cho là giải pháp cần thiết để có thể kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế và tiếp đến là giảm lãi suất.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Dương Thu Hương nhận định, việc nâng lãi suất tái cấp vốn của NHNN từ mức 9% lên đến 11% vừa qua chính là tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát của NHNN.

Còn TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách – tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, thắt chặt tiền tệ là việc phải làm trong lúc này, vì áp lực lạm phát rất lớn đang ảnh hưởng nhiều đến đời sống. Trong khi đó, muốn thắt chặt tiền tệ, phải làm giảm tổng dư nợ, điều chỉnh lãi suất cho hợp lý, giảm tổng phương tiện thanh toán, tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm các khoản đầu tư không cần thiết, sắp xếp lại đầu tư, hạn chế nguồn tiền từ ngân sách ra nền kinh tế, để từ đó giảm áp lực trực tiếp cho lạm phát.

Nguồn: Báo Điện tử Dân trí