Không nên cào bằng 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
5 tháng đầu năm 2021, có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể – tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên trong 3 thập niên qua, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vượt quá con số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cho thấy sự tàn phá của dịch bệnh và những tổn thất nặng nề mà khu vực doanh nghiệp đang gặp phải. Sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm đáng kể do bị bào mòn dần từ những đợt dịch trước. Hơn lúc nào hết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ là rất cần thiết, liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lần này không nên cào bằng mà phải đúng trọng tâm và trọng điểm, thậm chí là cần một gói hỗ trợ mới để không còn cảnh “doanh nghiệp muốn được nhận hỗ trợ thì lên tivi”.

2 gói hỗ trợ thời gian qua ít nhiều đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19 như gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; gói hỗ trợ tiền tệ – tín dụng… Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, để tiếp cận được các gói hỗ trợ này không khác nào phải chứng minh mình đã phá sản. Đơn cử như với các doanh nghiệp dệt may, phải có doanh thu giảm 30%, và lao động giảm 50% mới được hưởng hỗ trợ, nhưng nếu để mất việc làm tới 50% đồng nghĩa phải rời khỏi thị trường, bởi lao động chính là xương sống của ngành dệt may.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, gói hỗ trợ tín dụng của ngành ngân hàng cũng cho thấy còn nhiều bất cập ở khâu thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn gồm: Lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ. Với các thủ tục này, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm cần hỗ trợ nhất nhưng cũng tiếp cận chính sách… Nếu tiếp cận được thì thủ tục phải mất vài ba tháng mới xác nhận xong, khi đó đã qua thời điểm cần hỗ trợ…

Với đợt dịch lần thứ 4, mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chúng ta không còn nhiều thời gian để bàn giải pháp mà cần có phương án thực thi ngay theo hướng công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng hơn, thực sự thiết thực cho doanh nghiệp. Nên chăng có gói hỗ trợ kinh tế lần thứ 3 với những tiêu chí trên để “cấp cứu” doanh nghiệp trong giai đoạn này?

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì chỉ quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp kiệt quệ, ngừng hoạt động hoặc gần như phá sản thì cần hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi và cần hỗ trợ xứng đáng để họ có thể hồi phục, kéo nền kinh tế tăng trưởng. Bởi với những doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, ngay cả khi chúng ta hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí.

Bên cạnh đó, cần chính sách riêng và kịp thời cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề ở những địa phương dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp ở các khu công nghiệp với vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, hoặc doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu quan trọng. Phải chia gói hỗ trợ theo các ngành nghề để nhận diện khó khăn, vướng mắc riêng của từng ngành, từ đó có phương án hỗ trợ thích hợp. Với hơn 700 nghìn doanh nghiệp hiện nay, nếu hỗ trợ cào bằng thì ngân sách nhà nước sẽ rất khó cân đối, chưa kể hỗ trợ không đến được đúng địa chỉ, đúng trọng tâm.