Không thể bảo hộ bằng rào cản hành chính
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) dự báo, tăng trưởng của Việt Nam năm 2011 sẽ là 6,5%. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều vấn đề trước mắt phải giải quyết…

80 tỷ đô- la cho hạ tầng

Trong cuộc họp báo công bố cuốn “Sách trắng 2011” về các vấn đề thương mại, đầu tư tổ chức tại Hà Nội mới đây, EuroCham dự báo, trong 5-10 năm tới, Việt Nam cần khoảng 70 đến 80 tỷ USD đầu tư vào đường bộ, đường sắt, cảng biển và sẽ cần tới 140 tỷ USD nếu bao gồm cả cơ sở hạ tầng cho năng lượng.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là bước đệm tạo nên sức cạnh tranh trong khu vực và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Về mặt trung và dài hạn, Chính phủ không thể cung cấp vốn cho các đầu tư trên từ nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, hợp tác nhà nước – tư nhân sẽ là chìa khóa quan trọng để cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Rào cản hành chính ngăn cản cạnh tranh

Đồng thời, EuroCham kiến nghị những cải cách về cấp phép đầu tư, đẩy nhanh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành hải quan và lĩnh vực thuế…

Đơn cử, khó khăn trong việc thay đổi giấy phép đầu tư, hiện tại một doanh nghiệp muốn mở một chi nhánh hoặc thay đổi địa điểm một chi nhánh thì họ phải xin hai loại giấy phép: đầu tiên là giấy phép mở chi nhánh do UBND tỉnh nơi doanh nghiệp mở chi nhánh cấp; thứ hai, doanh nghiệp phải xin sửa đổi giấy phép đầu tư để phản ánh sự thay đổi trong phần chi tiết về chi nhánh.

Theo nhận định của EuroCham, hơn 65% lực lượng lao động của Việt Nam không có kỹ năng chuyên môn, hơn 75% lao động từ 20 đến 24 tuổi không có hoặc thiếu kỹ năng chuyên môn. 

Ngoài ra, tùy thuộc vào các cơ quan cấp phép khác nhau có những yêu cầu khác nhau, như: yêu cầu vốn riêng biệt cho chi nhánh được nêu rõ trong giấy phép riêng về hoạt động của chi nhánh, không bao gồm trong tổng vốn của doanh nghiệp.

Điều này sẽ “làm khó” cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đăng ký các chi nhánh (lập các chi nhánh mới hoặc đăng ký thay đổi chi nhánh như thay đổi địa chỉ, đăng ký chi nhánh sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp). Nhiều sửa đổi nhỏ dẫn đến phải thay đổi trong Giấy phép đầu tư gây ra khối lượng công việc không cần thiết cho các doanh nghiệp và các cơ quan cấp phép.  
Ông Alain Cany – Chủ tịch EuroCham khuyến nghị: “Việt Nam không thể mong chờ các lợi thế cạnh tranh  kéo dài mãi. Đây là lúc Chính phủ nên tập trung giải quyết các rào cản căn bản đang cản trở khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Điều này có nghĩa là tiếp tục ưu tiên cải cách hành chính, đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và giải quyết nạn quan liêu, tham nhũng. Việt Nam có duy trì được tăng trưởng cao trong thời gian tới hay không còn phụ thuộc vào việc Chính phủ có thực hiện và duy trì hành động ngay từ bây giờ hay không với một số lĩnh vực trọng yếu…”.

Mai Hoa
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam