Không thể bóp méo hình ảnh cá tra Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

WWF Việt  Nam không biết tiêu chí đánh giá

Trong buổi đối thoại với Tổng cục Thủy sản sáng ngày 8/12 vừa qua, WWF Việt Nam khẳng định, tổ chức này không hề tham gia vào quá trình đánh giá trên.

Đại diện WWF Việt Nam cũng cho biết, đến thời điểm này, WWF Việt Nam chưa có bộ tiêu chí xếp loại xanh-vàng-đỏ cho cá tra mà WWF toàn cầu đưa ra.

TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị, khi chưa rõ ràng về tiêu chí, WWF Việt Nam phải yêu cầu WWF ở 6 nước châu Âu thu hồi, dỡ bỏ các tờ rơi này. “Khi nào nhận được bộ tiêu chí đánh giá, WWF Việt Nam cần thảo luận với các cơ quan của Việt Nam xem có phù hợp thực tế không”, ông Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cùng lên tiếng phản đối thông tin sai lệch của WWF về cá tra Việt Nam. Điều đáng nói là thông tin này được đưa vào cẩm nang tiêu dùng (một dạng tờ rơi) đã không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sản xuất, tiêu thụ cá tra Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu thụ thủy sản châu Âu. Ngay uy tín của WWF cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hành động này.

Với tinh thần thiện chí, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản (VASEP) khẳng định, VASEP sẵn sàng mời các chuyên gia của WWF cũng như chuyên gia thủy sản các nước châu Âu đến tham quan thực tế Việt Nam để làm rõ vấn đề.

Cá tra không ảnh hưởng tới môi trường

Lý do WWF đưa ra để “đổi màu” cá tra Việt Nam (từ vàng sang đỏ) là ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, VASEP khẳng định, thức ăn chủ yếu của cá tra là đạm động vật, không gây hại môi trường sinh thái.

Những năm gần đây, trình độ nuôi cá tra liên tục được cải thiện. Từ năm 2003, Việt Nam đã áp dụng phổ biến tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF của Mỹ.

Năm 2010, nhiều nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Global Gap – tiêu chuẩn cao nhất của ngành nuôi thủy sản có trách nhiệm và bền vững toàn cầu. Bên cạnh đó, quá trình nuôi cá tra cũng không tác động xấu tới môi trường do nguồn nước vào và ra tại các ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ.

Chất lượng nuôi cá tra ngày càng được nâng cao trong khi WWF lại đánh giá quản lý đi xuống là điều cực kỳ vô lý. Trước tình hình này, VASEP đề nghị WWF toàn cầu yêu cầu các tổ chức thành viên của mình ở châu Âu khẩn trương xem xét lại ý kiến đánh giá, công bố công khai hệ thống tiêu chí đánh giá cá tra và tiến hành sửa chữa những sai lỗi trong việc hướng dẫn tiêu dùng châu Âu.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều bị thiệt

Cho tới thời điểm này, VASEP chưa đánh giá được mức độ thiệt hại của thông tin trên tới xuất khẩu cá tra năm 2011. Dù vậy, ông Dũng cho rằng, thông tin này không thể bóp méo hình ảnh cá tra Việt Nam và dự đoán, những nhà nhập khẩu lớn, thân thiết vẫn sẽ nhập cá tra Việt Nam.

Trên các diễn đàn, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp châu Âu cũng lên tiếng phản đối hành động này của WWF. Tập đoàn Findus và Tập đoàn Bird Eye Iglo cho rằng, việc làm này của WWF gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh cá tra ở một số nước EU.

Hiệp hội nghề cá bền vững (SFP) của Anh cũng lên tiếng bảo vệ cá tra Việt Nam. SFP tin rằng, cá tra Việt Nam phát triển nhanh song hoàn toàn có thể kiểm soát được các vấn đề nảy sinh nhờ tăng cường quản lý trong khu vực và kiểm soát nguồn nước, thức ăn.

Được biết, quyết định của WWF ở 6 nước châu Âu dựa trên đánh giá của một công ty tư vấn độc lập ở châu Âu. Song công ty trên cũng chưa hề đến Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên cá tra Việt Nam bị bôi xấu song xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng đều hằng năm, ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn nhất.

Trong 10 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 538.201 tấn sản phẩm cá tra, giá trị 1,15 tỷ USD, trong đó 36,8% là xuất sang EU. Sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU 10 tháng đầu năm giảm nhưng nguyên nhân là do Việt Nam thiếu nguyên liệu, chứ không phải do nhu cầu thị trường giảm.

Hiện nay, giá cá tra đang tăng mạnh do nguyên liệu khan hiếm trong khi nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao cho thị trường cuối năm. Đây là yếu tố khá thuận lợi của Việt Nam. Giá cá tra thịt trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được mua với giá 23.000-23.500 đồng/kg. Ông Dũng dự báo, giá cá tra thời gian tới có thể lên tới 25.000 đồng/kg.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử