Không thể trì hoãn thêm 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Sau nhiều năm chờ đợi, sáng qua 5.1, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành chính thức khởi công giai đoạn 1. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025, được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Sân bay Long Thành được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tròn một thập kỷ với hơn 5.000ha, nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Long Thành. Chủ trương xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6.2015 và đến cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Từ đó đến nay, hàng loạt các thủ tục cũng như một khối lượng công việc lớn trong công tác giải phóng mặt bằng đã được các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai phối hợp triển khai, nhằm hiện thực hóa xây dựng sân bay lớn nhất nước.

Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nước có thị trường hàng không tăng trưởng cao nhất trong khu vực, nhưng lại chưa hề có sân bay nào đủ lớn, đủ tầm làm sân bay trung chuyển trong khu vực cũng như quốc tế. Theo thống kê trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, sân bay Tân Sơn Nhất phải đón trên dưới 40 triệu lượt khách/năm, trong khi công suất thiết kế chỉ 25 triệu lượt khách/năm. Kể cả khi các dự án nâng cấp, cải tạo đường băng, xây dựng nhà ga T3 hoàn thành và công suất được nâng lên 50 triệu khách/năm, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn sẽ tiếp tục quá tải trong một vài năm tới.

Trong khi Tân Sơn Nhất không hội tụ đủ điều kiện để phát triển thành một sân bay trung chuyển do diện tích hẹp, nằm ngay trong thành phố không thể mở rộng thêm thì Long Thành lại đủ điều kiện để trở thành sân bay kết nối, khi việc hoạch định ngay từ đầu xác định mục tiêu này và xây dựng đồng bộ cả hạ tầng hàng không lẫn hạ tầng kết nối như hệ thống đường, tàu điện vào sân bay. Dù ở kịch bản tăng trưởng nào, thì đến năm 2025, sản lượng hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất có thể lên tới 77 – 78 triệu lượt/năm. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ “chia lửa” cho sân bay Tân Sơn Nhất trước khi tình trạng quá tải trở nên khó kiểm soát. Với dự báo tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong tương lai, việc duy trì khai thác đồng thời 2 sân bay được khẳng định là cần thiết…

Việc xây dựng sân bay Long Thành là cấp thiết, không thể trì hoãn thêm. Ngoài việc giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành còn nhắm tới mục tiêu lớn hơn, là trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực khi công suất dự kiến ở giai đoạn hoàn chỉnh là 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Điều duy nhất khiến nhiều người còn băn khoăn, đó là nếu như siêu dự án này không cạnh tranh được với sân bay các nước trong khu vực như Changi (Singapore), Suvarnabhumi, Bangkok (Thái Lan), Hong Kong (Trung Quốc)… thì công suất đón 100 triệu khách/năm lại trở thành món nợ cho thế hệ sau. Bởi dự án sân bay Long Thành do doanh nghiệp nhà nước thực hiện, mọi nguồn vốn mà doanh nghiệp nhà nước đi vay theo hình thức nào đi chăng nữa cũng phải tính vào nợ công. Do đó, vấn đề rất lớn là Bộ Giao thông Vận tải cần có sự chuẩn bị về bộ máy quản lý, con người để đủ sức cạnh tranh được với các sân bay quốc tế khác trong khu vực.

Dự án xây dựng sân bay Long Thành có rất nhiều điều kiện thuận lợi khi được Quốc hội, Chính phủ đồng thuận, ủng hộ lớn. Tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của đất nước, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Với tầm quan trọng đó, các đơn vị được giao thực hiện dự án và người dân cùng đồng tâm, quyết tâm để dự án về đích đúng hẹn.