Khoảng cách giữa tinh thần của luật và sự thực thi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trường hợp nhiêu khê của con tôm, con cá Việt Nam ở Mỹ có thể xem như một điển hình của cách thức mà Mỹ thực thi luật chống bán phá giá nói chung. Đây cũng là bài học kinh nghiệm về cách Mỹ thực thi luật chống cạnh tranh không công bằng.

Luật trên tinh thần

Luật chống bán phá giá được đặt ra là để trừng phạt sự cạnh tranh không công bằng của các nhà sản xuất nước ngoài nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất trong nước.

Theo tinh thần này thì có lẽ không có gì để phàn nàn, bởi vì thúc đẩy cạnh tranh công bằng là một mục tiêu tích cực. Thật ra, nhìn từ phía Mỹ, nếu không có luật chống bán phá giá thì sẽ không tránh khỏi một số ngành nghề nội địa bị tổn thương vì hành động cố ý bán tháo của các công ty cạnh tranh nước ngoài. Hai trường hợp sau đây có thể minh chứng điều này.

Thứ nhất, để thúc đẩy sự phát triển của một ngành công nghiệp chiến lược, một chính phủ có thể hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước của mình thông qua nhiều phương tiện, chẳng hạn như cung cấp vốn và mặt bằng. Vì được hỗ trợ nên các nhà sản xuất này sẵn sàng xuất khẩu sang các nước khác với giá bán rẻ hơn cả giá thành sản xuất bình thường nhằm tăng số lượng bán ra.

Khi gặp trường hợp này thì các nhà sản xuất cùng mặt hàng tại nước nhập khẩu không thể nào cạnh tranh nổi nếu như không được hỗ trợ giống như vậy từ chính phủ của họ. Do đó, cũng là hợp lý khi áp dụng thuế chống bán phá giá để giải quyết vấn đề bất công này.

Thứ hai, nếu có được một thị trường trong nước không bị cạnh tranh bởi nhập khẩu (do các rào cản thương mại, chẳng hạn như các quy định về vệ sinh và kỹ thuật), các nhà sản xuất của một nước có thể tăng giá bán trong nước để tăng lãi tối đa và sẵn sàng bán ra nước ngoài với giá rẻ hơn để tăng số lượng (nhằm hạ chi phí sản xuất nhờ vào lợi ích của kinh tế theo quy mô). Trong trường hợp này, các nhà sản xuất cùng mặt hàng tại nước nhập khẩu tất nhiên sẽ gặp khó khăn khi không thể chạy đua hạ giá để cạnh tranh. Do đó, đây là một bất công bởi vì lỗi không phải là do họ sản xuất kém hiệu năng hơn.

Rõ ràng, với hai lý do bán phá giá nêu trên thì việc sử dụng luật chống phá giá để đối đầu là hợp lý. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bị Mỹ áp dụng thuế chống phá giá không liên quan đến hai nguyên nhân này. Hơn nữa, cách thức mà hai cơ quan của Mỹ, đặc biệt là DOC, thực thi luật chống phá giá trong thực tế thì vô cùng phức tạp và bị một số chỉ trích cho là Mỹ hay dùng luật để thực hiện những động thái bảo hộ thương mại thay vì bảo đảm cạnh tranh công bằng như tinh thần mà luật đề ra.

Luật trong thực tế

Như đã biết, luật chống phá giá của Mỹ được thực thi bởi DOC và ITC. Nói một cách chi tiết hơn, DOC có nhiệm vụ tính toán biên độ bán phá giá và ITC có nhiệm vụ chứng minh là việc bán phá giá này có gây ra thiệt hại đáng kể (hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể) đối với các nhà sản xuất trong nước.

Điều mấu chốt đáng lưu ý ở đây là do việc tính biên độ bán phá giá có tính kỹ thuật cao và khá chi tiết cho nên luật chống phá giá của Mỹ cho phép DOC một phần lớn quyền tùy nghi định đoạt (discretionary power) một số phương thức để có thể hoàn thành việc thực thi luật. Ở khía cạnh này, có một số nghiên cứu đã cho thấy rằng khi DOC sử dụng quyền tùy nghi định đoạt thì luôn luôn dẫn đến việc quyết định biên độ chống bán phá giá cao hơn bình thường.

Có thể kể ra đây hai cách thức thuộc quyền tùy nghi định đoạt mà DOC thường sử dụng. Một là, khi DOC yêu cầu các doanh nghiệp bị kiện nộp các thông tin liên quan nhằm tính toán biên độ bán phá giá nhưng không được đáp ứng thì DOC có quyền sử dụng các thông tin sẵn có (thông thường là từ các nhà sản xuất đâm đơn kiện) để tính toán. Và khi sử dụng phương thức này thì biên độ bán phá giá bao giờ cũng rất cao bởi vì thông tin mà các nguyên đơn cung cấp dĩ nhiên là luôn có hại tối đa cho các bị đơn.

Hai là, trong trường hợp các công ty bị kiện đến từ một nước không được công nhận có nền kinh tế thị trường thì DOC sẽ không dùng giá cả và chi phí sản xuất trong nước đó để so sánh với giá xuất khẩu bán tại Mỹ. Do đó, để tính biên độ bán phá giá thì DOC có quyền tự định đoạt chọn một nước thích hợp khác rồi dùng giá cả từ nước này để tính toán các chi phí sản xuất liên quan đến mặt hàng đang bị điều tra ở nước của các bị đơn.

Ngoài ra, DOC còn đòi hỏi từng doanh nghiệp bị kiện phải chứng minh là các hoạt động xuất khẩu của mình không bị chính phủ chi phối nếu muốn được xem xét cho nhận biên độ bán phá giá nhẹ hơn so với biên độ chung cho tất cả các doanh nghiệp không chứng minh được.

Nói tóm lại, theo cách thức này thì DOC có thể đẩy biên độ bán phá giá lên cao mà vẫn nằm trong phạm vi cho phép của luật. Do đó, khi kiện DOC về khía cạnh này trước Tòa án Thương mại Quốc tế của Mỹ thì cơ hội thắng thì hầu như là không có. (Các nước thành viên WTO cũng có thể đem vụ việc ra trước WTO nhưng đa phần không có khả năng pháp lý sẵn sàng để đối chọi với Mỹ).

Bên cạnh việc sử dụng quyền tùy nghi định đoạt một cách gây nhiều tranh cãi trong cuộc điều tra gốc, DOC còn bị chỉ trích về cách thức xem xét lại lệnh chống bán phá giá sau khi có hiệu lực năm năm (sunset review) theo quy định của Hiệp định chống phá giá của WTO mà Mỹ đã chấp nhận. Trong trường hợp này, thực tế đã cho thấy hầu như DOC luôn quyết định việc bán phá giá sẽ tiếp diễn nếu hủy bỏ lệnh chống bán phá giá và biên độ bán phá giá (trong trường hợp hủy bỏ lệnh) được báo cáo với ITC vẫn giống y hệt năm năm về trước.

Trường hợp cá ba sa, cá tra của Việt Nam có thể minh chứng cho điều này. Vừa qua, khi xem xét lại lệnh chống bán phá giá đối với các nhà xuất khẩu cá Việt Nam, DOC đã quyết định nếu hủy bỏ lệnh thì các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục (hoặc tái diễn) việc bán phá giá với biên độ mà DOC đã kết luận trong cuộc điều tra gốc vào năm 2003. Do đó cần phải tiếp tục duy trì lệnh chống bán phá giá với cá tra, cá ba sa của Việt Nam.

Nhìn qua cách thức này, có thể thấy việc DOC báo cáo các biên độ bán phá giá (có thể xảy ra trong trường hợp bỏ lệnh) giống y hệt các biên độ lúc áp dụng lệnh chống bán phá giá cách đây năm năm là có vấn đề.

Năm năm là một khoảng thời gian đủ dài cho những biến đổi về giá cả cũng như các hoạt động của doanh nghiệp bị áp dụng thuế để dẫn đến sự thay đổi về biên độ bán phá giá. Do đó, khi DOC không cân nhắc đến khía cạnh này trong cách thức xem xét lại lệnh chống bán giá thì có thể nói rằng việc xem xét của DOC chỉ là hình thức và DOC buộc phải làm để thỏa mãn yêu cầu của luật mà thôi.

Một khi mà các nhà sản xuất nước ngoài đã bị DOC áp dụng thuế chống bán phá giá thì hy vọng “được tha” trong đợt xem xét sau năm năm hầu như không có. Hiện tượng này cộng với cách sử dụng quyền tùy nghi định đoạt của DOC dường như đã chỉ ra một khoảng cách khá xa giữa tinh thần của luật và cách thực thi nó trong thực tế.

TS. Trần Lê Anh (*)
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
___________________________________________________________

(*) Tác giả hiện đang giảng dạy kinh tế và quản lý tại Đại học Lasell, Mỹ.