Khâu yếu là triển khai thực hiện pháp luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong Nghị định số 92/2009/NĐ-CP không quy định cụ thể các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tiểu khu (gọi chung là thôn) như Nghị định số 121/2003/NĐ-CP. Tại Điều 14 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định chức danh những người hoạt động không chuyên trách”. Thực hiện quy định này ngày 29.10.2010, HĐND tỉnh Q ban hành Nghị quyết số 149/2010/NQ-HĐND quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này đã quy định, đối với cấp xã loại 1 được bố trí 22 người, cấp xã loại 2 được bố trí 20 người, cấp xã loại 3 được bố trí 19 người; ở thôn bố trí 3 chức danh gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và Công an viên (ngang với mức tối đa quy định tại Nghị định 92). Về các chức danh ở cấp xã đã kế thừa phần lớn các loại chức danh được quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Công an tỉnh đề nghị UBND trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết bổ sung số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn để bố trí thêm Phó trưởng Công an xã, Công an viên thường trực tại trụ sở UBND xã và Công an viên ở thôn theo quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 7.9.2009 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Công an xã. Theo dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình HĐND thì đối với cấp xã loại 1 và loại 2 được bổ sung 4 người (1 Phó trưởng Công an xã và 3 Công an viên thường trực), đối với cấp xã loại 3 được bổ sung 3 Công an viên thường trực; ở cấp thôn thuộc xã trọng điểm phức tạp về an ninh, cấp xã loại 1 và loại 2 được bố trí thêm 1 Công an viên. Cùng với số lượng đã quy định tại Nghị quyết 149/2010/NQ-HĐND thì số lượng những người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã loại 1 lên đến 26 người, cấp xã loại 2 là 24 người, cấp xã loại 3 là 22 người; ở cấp thôn là 4 người. Bên cạnh việc bổ sung số lượng, dự thảo nghị quyết còn quy định thêm phụ cấp đặc thù nghề nghiệp cho Phó trưởng Công an xã là 0,5 mức lương tối thiểu. Như vậy, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn đã vượt quá mức tối đa quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Với dự thảo nghị quyết này đã phát sinh 2 quan điểm trái ngược nhau.

Các cơ quan thực hiện chức năng thẩm định và thẩm tra dự thảo nghị quyết cho rằng, việc bổ sung thêm Phó trưởng Công an xã và Công an viên thường trực là cần thiết, có căn cứ pháp luật vì đã được quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, để bổ sung các chức danh này thì cần phải sửa đổi Nghị quyết số 149/2010/NQ-HĐND giảm các chức danh khác để bảo đảm tổng số những người hoạt động không chuyên trách không vượt quá mức tối đa mà Nghị định 92/2009/NĐ-CP đã quy định. Mặt khác, cùng quy định về một vấn đề là những người hoạt động ở cấp xã và thôn không thể tồn tại song song hai nghị quyết, trong đó có những quy định giao thoa và có những quy định mâu thuẫn nhau.

Ngược lại, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo nghị quyết và đại diện UBND tỉnh Q cho rằng việc ban hành thêm một nghị quyết bổ sung số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên thường trực là hoàn toàn hợp pháp cho dù tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn vượt quá mức quy định tối đa tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Vì nghị quyết này là để triển khai thực hiện Nghị định số 73/2009/NĐ-CP và nghị định này hoàn toàn độc lập không liên quan gì đến Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Việc quy định thêm phụ cấp đặc thù cho Phó trưởng Công an xã là cần thiết vì công việc này rất phức tạp, vất vả hơn nhiều so với các chức danh khác nhưng Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định phụ cấp tối đa là 1,0 so với mức lương tối thiểu là thiếu công bằng và không bảo đảm quyền lợi cho chức danh này. Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định HĐND có quyền quyết định các biện pháp để bảo đảm trật tự, an ninh tại địa phương. Mặt khác, không có văn bản pháp luật nào cấm HĐND ban hành nghị quyết quy định phụ cấp đặc thù cho Phó trưởng Công an xã.

Trước hết phải khẳng định, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP là văn bản có quy định về công chức và những người hoạt động không chuyên trách của một ngành tại một cấp (công an cấp xã), tuy nhiên Nghị định này không hoàn toàn độc lập với các văn bản pháp luật khác về cán bộ, công chức. Nghị định số 92/2009/NĐ-CP là nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Chương V của Luật Cán bộ, công chức; đây là một quy định chung về cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Do đó, số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên phải nằm trong số những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà Nghị định 92 đã quy định. Đối với quy định về phụ cấp đặc thù cho Phó trưởng Công an xã, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP thì “Trưởng công an xã, Phó trưởng công an xã và công an viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp theo quy định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn”. Như vậy, việc quy định chế độ lương và phụ cấp cho Công an xã thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Mặc dù, Luật Tổ chức HĐND và UBND có quy định HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, việc quyết định phải nằm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp. Hiện nay, trong các luật và các nghị định trong các lĩnh vực đều có quy định cụ thể về phân cấp cho UBND các cấp quyết định hoặc trình HĐND cùng cấp quyết định những vấn đề phù hợp thực tế của địa phương. Nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện pháp luật đó là, đối với cá nhân thì được phép làm những gì pháp luật không cấm, nhưng đối với cơ quan nhà nước thì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép (có quy định). Việc cho rằng pháp luật không cấm để “xé rào” hoặc “lấn sân” về thẩm quyền của cấp trên hoặc ngành khác cần xem xét lại.

Phạm Bình
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=246374